Chọn ngôn ngữ:
Tên đăng nhập:

Mật khẩu:

Văn


GỞI ANH…

Ngày đăng: 19/05/2014
Lượt xem: 4647

GỞI    ANH…

Tháng năm…

Tôi có ý định làm một loạt bài sau một chuyến đi xa. Những cái tứ đã được gạch và đánh dấu * ở đầu dòng… Những số liệu, chi tiết, dữ liệu đã lắp kín mấy trang sổ tay. Chỉ còn việc ngồi vào bàn phiếm.

Thế rồi lấn quấn với mấy việc gia đình vào cuối tháng Tư và kéo rê sang mấy ngày đầu tháng Năm…

Và khi lướt tin với cà phê sáng sau mấy ngày lu bu… Bỗng đất trời và người (không chỉ riêng tôi) chợt nóng bỏng lên như lửa đã phát cháy quanh mình…

Cái ý định nhỏ nhoi kia lập tức như cháy tiêu đi mất. Chẳng là cái thá gì, nhưng tôi cứ nhấp nha nhấp nhỏm, mặt mày bí xị và cảm giác mình đang rơi vào trạng thái bất bình thường.

Cho đến khi có một cuộc điên thoại từ Bình Dương gọi đến vào sáng ngày 13 thì tôi biết rõ rằng, bây giờ, tháng Năm không chỉ riêng tôi đang rơi vào trạng thái bất bình thường;  mà tất cả đã lọt vào một tình cảnh đã-được-thấy-trước-không-thể-khác-được.

Những ý kiến và thái độ. Những biểu tỏ và đối sách. Những hành động và sách lược; xuất phát từ nhiều vị trí khác nhau, từ nhiều chỗ đúng khác nhau nhưng đều chung hướng về một mục tiêu duy nhất, một ý nghĩa chung nhất. Nhưng hỡi ơi !...

Trời tháng Năm vẫn nóng bỏng quanh người. Cái nóng của một thứ lửa lùng bùng, âm ỉ có thể rang khô mọi thứ…

Chẳng biết do điều gì dẫn dắt, khiến xui, giờ này, bỗng dưng tôi lại nhớ đến bài thơ của Dương Soái.  Bài thơ có tựa đề gồm sáu từ trong đó hai từ khởi đầu là Gởi Em…

Và tôi ngồi vào bàn... gõ một cách… vô thức: GỞI ANH.

“Gởi Em Ở Cuối Sông Hồng” Dương Soái làm cái đận sau tháng hai năm 79. Lúc đó “EM” là những EM ở cuối Sông Hồng nhưng cũng có cả EM là  “chị Dương Soái” đang ở Duy Tiên, Hà Nam.

Chứ hai từ GỞI ANH của tôi thì chỏng chơ, mù mờ và vô nghĩa quá khi trước và sau nó chẳng có gì biểu tỏ cho rõ ràng.

Vậy thì xin hiểu cho Gởi Anh là Gởi Cho Anh, Một Người Việt Nam Như Những Người Việt Nam đã từng, hoặc có chung cảm giác với những người ở Lào Cai hồi năm 1979.

Dĩ nhiên là cũng đã đến vài thế hệ  độc giả, thính giả nghe biết bài thơ này. Nhưng có lẽ, phần nhiều chỉ nhớ đến… một nửa bài thơ qua dòng nhạc của Thuận-Yến hồi 1980. Nhưng, những nhạc điệu mượt mà sâu lắng của T.Y. chỉ tập trung quanh bốn khổ đầu-một nửa- của bài thơ là chính. Đó là những câu thơ đẹp một cách tha thiết, lãng mạn mà đằm thắm, ngọt dịu chất mộc mạc đời thường mà vẫn quyến rũ nét cổ phong…

Không hiểu nhà thơ giờ có còn mạnh khoẻ. Chắc cũng đã quanh quanh cái độ thất thập rồi. Nhưng tôi chắc cái nhân vật “ANH” trong bốn khổ cuối của bài thơ luôn luôn và vĩnh viễn là một “ANH VIỆT NAM” kiêu dũng và sá ngại gì hy sinh cho Tổ Quốc.

Tôi muốn đọc lại và chép luôn ra đây bốn khổ cuối của bài thơ cho tôi, cho bạn một lần nữa…

“……

Nhưng thơ ngây đâu còn ở chúng mình

Khi Tổ Quốc trao anh lên tuyến đầu chặn giặc

Khi biên cương trong anh đã trở thành máu thịt

Đạn lên nòng anh giữ trọn nguồn sông

X  X

  X

Nỗi nhớ cho em chưa viết được đôi dòng

Đạn quân thù bỗng cuồng điên vào thị xã

Xe tăng thù nghiến mặt sông êm ả

Nhịp cầu thù chặt đứt chờ mong

 

Bão lửa này mang sức mạnh hờn căm

Phá cầu thù, xé vụn xe tăng giặc

Giữa dòng sông nghìn xác thù ngã gục

Máu giặc loang ố cả một vùng

 

Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng

Nếu gặp dòng sông ngầu lên sắc đỏ

Là niềm thương anh gởi về em đó

Qua màu nước sông Hồng em hiểu chiến công anh.”

      

Hỡi ơi! Đất nước tôi bốn ngàn năm ròng rã buồn nhiều hơn vui, có mấy thuở làm thơ yêu em mà vô tâm, mà hồn nhiên thanh thản…

Xin đừng kết tội tôi xúi giục điều gì nghe bạn, tội nghiệp. Tôi chỉ muốn một lần nhắc lại bạn nghe những tình cảm đơn sơ mà đằm thắm… như... “lắng phù sa in bóng đôi bờ”…, những thương yêu mộc mạc mà nồng mặn nghĩa tình... “tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không?”.

Nhưng để Tổ quốc và Dân Tộc trường tồn, ngoài Nghĩa và Tình, như đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử, dân ta cần và đã luôn luôn sẵn sàng một KHÍ PHÁCH.

LANG VƯỜN

18-05-2014.

 

      


Gửi Bài Viết

Họ tên:
Email:
Địa chỉ:
Chủ đề:
Nội dung:

Chú ý: Vui lòng nhập đầy đủ thông tin trên


Copy right 2011 www.duocphambachkhang.com. All right reserved
Công ty TNHH Dược phẩm Bách Khang
  17 Đường 783A Tạ Quang Bửu, phường 4, quận 8, TP.HCM

Thiết kế web: Faso

Tri mun da Tri nam da chăm sóc da Tu van dau tu Vietnam tours Thiet bi dien Thanh lap cong ty 100 von nuoc ngoai Bìa còng Bia ho so