...ĐÌNH TIỀN TẠC DẠ…
Thế là những ngày Tết mệt mỏi rồi cũng đã qua.
Ơ! cái ông này, sao lại Tết-mệt-mỏi, mỗi năm chỉ có một lần Ba-Ngày-Tết, biết bao nhiêu là…-Là mỏi mệt có đúng vậy không hả bạn ?
Nào, thử nhẩm lại xem nhé.
Trước hết là cái chuyện…đầu tiên là tiền đâu. Dĩ nhiên là tuỳ “sức vóc” của từng người; có người ngay trước tết đến ba bốn tháng đã phải điều chỉnh lại việc chi tiêu rồi để mà tính toán, dành dụm cho ba ngày tết. Khoản nào cho áo quần xe cộ, khoản nào cho sửa sơn cửa nhà, rồi còn thì sắm sửa, tiêu pha… Cận gần đến Tết thì vắt óc ra mà cân đối thu chi mua sắm. Món nào là truyền thống, món nào là “gu” nhà rồi “trẻ miếng quà, già tấm áo” rồi thức gì là “model” trong thiên hạ năm nay. Chổ nào bán đắt, nơi nào giá vừa, ở đâu thì đúng là giá-bình-ổn… Ôi thôi! Đủ khổ chưa hả trời.
Chưa hết đâu. Đến mấy ngày giáp tết thì lo dọn dẹp, kỳ cọ, sửa sang trang hoàng nhà cửa. Đừng có nói là tôi chưa có nhà đấy nhé. Thế nào mà ông bà già chẳng luôn miệng “Tết nhất đến nơi rồi, con lo phụ với ba má chuyện nhà cửa đi chứ…”. Còn nhớ những năm xưa, chỉ nội cái việc hạ bộ “tam sơn ngũ sự” xuống, cho vào nồi bung nước dầm sẵn những chất chua -lá me, trái me đập dập là chính- chờ ít hôm cho “nhả ten” rồi lấy từng phần ra mà kỳ cọ với tro và trấu cho sáng bóng lên... thì hỡi ơi còn đâu mấy quán café cuối năm với bạn bè hoặc đón đưa em đi chợ tết nữa… bạn ơi. Ấy là chưa nói đến nhiều vị còn phải lo… chạy trốn người trong thiên hạ hoặc là chạy phờ người ra mà cúng kiểng khắp thiên hạ đông tây. Mệt chưa? Chưa đến giao thừa mà.
Ừ thì thức đón giao thừa. Chờ xem thử “con gì ra đời” trong những giây phút thiêng liêng của trinh nguyên năm mới. Chờ nghe xem các cụ phán gì… Rồi nhắn tin, nhận tin tá lả. Kiểm lại coi. Ai đã gởi, ai còn sót. Khổ cái thân bạn. Khổ cái thân tôi.
Mà này, khổ quá, tôi còn quên khuấy cái tiệc tất niên, mâm cỗ cúng tất niên nữa đấy. Cái này nhiều người đã phán quá ư là… chân lý rằng đúng là khổ cả đôi đường. Cái anh sửa cỗ đã khổ mà người được mời dự cỗ cũng có khác chi. Thôi cho qua đi nhé.
Ra Nguyên Đán thì cúng kính gia tiên. Rồi xuất hành lễ bái. Rồi thăm viếng họ hàng. Chúc tết bè bạn-(Đừng quên sếp đấy nhé), Rồi họp nọ họp kia. Chỉ riêng cái vụ họp... “cựu” là cũng đủ trốn rồi. Ở đời, ai mà “đương” mãi mà chẳng “cựu” hả các... ngài. Ôi, ước chi em mãi mãi Đương là học sinh lớp… năm.
Chỉ trừ cái việc đi lễ bái, còn tất tần tật những phùa đi lại thăm chúc lẫn nhau kia thì không nhiều thì ít đều có kèm với cái sự Ăn và Bia-Rượu. Đã bảo Ăn Tết mà! Dù có “Đói góp-No dồn” kiểu gì thì kiểu chứ thực tình, ba ngày tết chẳng có No chút nào đâu bạn ơi. Uống thì gần như là bắt buộc. Ba ngày xuân ai lại đi từ chối ly bia, cốc rượu. Ôi, quí Anh hùng Núp thân thương và kính mến, quí anh cũng “ba-ngày-tết” với bà con quá đi chứ. Cứ ngay đơ thẳng đuộc… núp như thường ngày rồi chỉa cái gậy trắng đen ra mà “thổi cái xem nào” thì chẳng biết có thêm bao nhiêu đấng… khổ thân… vì Tết.
Cứ thế. Ba-ngày-tết. Lộn tới, quay lui. Về Nội về Ngoại. Đến thầy, sang bạn. Đến lúc về được tới nhà thì đúng là chỉ còn… một đống quải thân bia–rượu.
Đến thế mà cũng chẳng được yên thân đâu bà con ơi! Tết mà ngủ. Đám này hú, hội kia gọi. Bói “quẻ” đầu năm xem nào. Ừ thì “bói”. Chuyện này ngay cả những người quanh năm chân chỉ cuốc cày thì ba ngày tết cũng nhiệt liệt tham gia không kém gì những đấng “máu”. Cho đến khi dù vẫn còn “người lên ngựa, kẻ kéo bài” mà... “bóp tôi thì đã nhuốm màu…hư vô” thì lúc ấy mới... “thôi, các bác chơi tiếp nhé, em về ngủ cái, mỏi quá”. Kính xin cụ Nguyễn Tiên Điền đại xá cho đứa hậu sanh này đã hỗn nhại hai câu tuyệt cú mèo Người lên ngựa, kẻ chia bào- Rừng phong thu đã nhuộm màu quang san của cụ thành hơi... bạc bài thế nhé.
“Thấm” chưa bà con. Đấy, chỉ ngồi nhẩm lại những “gian khổ” đã “kinh” qua thôi mà cũng đủ... mệt… ngất ngư rồi. Chút xíu là tôi quên… “một bộ phận không nhỏ” những người phải “về quê ăn tết” nữa đấy.
Chưa có có con cố thống kê chính thức ở nước ta mỗi độ xuân về tết đến thì có bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình phải về quê ăn tết. Theo chủ quan phỏng đoán của mình thì chắc cũng chừng trên dưới 10% dân số. Mà nếu cự ly đi về khoảng 300km trở lên thì… ôi thôi, biết bao nhiêu là cái khổ. Trước tiên là hát bài “than-ca-muôn-thuở-tàu-xe” -Khổ nhất là những bạn có gia đình, con mọn. Vé tàu xe có khi là phải tranh, lo từ 3,4 tháng trước. Mà đã chắc gì. Còn nhớ cái năm nước Tàu bị bão tuyết ngay vào dịp Tết Đinh Hợi (2007-2008). Mọi phương tiện giao thông đành chết gí. Hàng nhiều triệu người về quê ăn tết nằm vật vạ ở những bến tàu bến xe trống thông thốc, giữa cái nhiệt độ bên ngoài tuyết trắng mênh mông. Thật là chẳng cái khổ nào giống cái khổ nào. Đã tàu xe cực nhọc là thế mà lại phải còn quà cáp tay xách nách mang. Cái này cho nội thì phải cái kia cho ngoại. Bà cô có chút này thì ông chú phải tý kia. Không chi li thế thì ra giêng còn lắm cái nhức đầu.
Ai bảo Tết vui Tết sướng nào...
Xin cung kính cảm tạ thiên địa. Cung kính cảm tạ tổ tiên. Tết nhất rồi cũng đã qua.
Qua rồi thì còn kể khổ làm chi hỡi… ngài??
Ừ thì Tết cũng… Vui… cũng… Sướng chứ.
Đại đa số các gia đình được một dịp đoàn viên sum họp. Con cái làm ăn, học hành nơi xa có dịp về nhà. Bạn bè cày cuốc kẻ đông người tây có dip găp nhau thăm hỏi, bù khú.
Rồi còn Ta với Ta. Đó cũng là dịp để Ta lại nhìn Ta. Qua một năm. Qua một chặng đường đời. Được, Thua, Còn, Mất. Ta đã đi đâu. Ta đã đến đâu…
Ô hô! Cúc đã tàn rồi. Gốc mai đã gởi ra nhà vườn từ tuần trước. Vậy mà cái gì đưa ta nhớ về đến ngàn năm cũ, giọng vị Thiền Sư già sao còn nghe như vang động chấp chới cả… hồn ai…
…..Sư trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thương lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
- Mãn Giác Thiền Sư -
Đầu Xuân Quý Tỵ
L.V.