Chọn ngôn ngữ:
Tên đăng nhập:

Mật khẩu:

Văn


ĐỘC BẮC LƯU

Ngày đăng: 24/09/2013
Lượt xem: 2106

ĐỘC BẮC LƯU

Từ khi xuất hiện đến nay, rất nhiều người đã phán “Người Lái Đò Sông Đà” là bài hay nhất trong tập bút ký “Sông Đà” của Nguyễn-Tuân in lần đầu hồi năm 1960.

Lại nhớ khi bập vào cái bài áp chót trong tổng số 16 bài này, tôi gặp hai dòng đề từ--(Bản in lần thứ 2, NXB Tác-Phẩm-Mới, Hà-Nội, 1976). Một bản in rất xấu, chữ nhỏ, giấy đen, hình thức trình bày đơn điệu, coi bộ hơi kém bắt mắt nếu so với ngay cả những tập nội san học trò của các trường trung học. Không hiểu sao mà vị đại-bút-kí-sĩ đã từng nổi danh là ưa sự cầu kỳ và cái sự đẹp lại chịu để phát hành một bản in như thế. Khi viết xong “Sông Đà” thì Nguyễn-Tuân chỉ mới tuổi 50, in lần thứ hai, cụ cũng chỉ 66, 67 tuổi, thì đúng là phải vào cái “độ” cầu kì lắm lắm, chưa phải là cái thời “liễu”. Không hiểu tâm trạng của Ông hồi đó nhìn “đứa con” mình thấy thế nào? Chứ phần tôi, nói dại mồm dại miệng, lỡ mà đất trời nổi cơn sấm sét bão giông  để khiến cái thằng tôi nặn ra được một bài em em như bất cứ bài nào trong tập mà in ấn như thế, thì thú thật với các bác em hiền hậu lắm ngu ngơ quá, nhưng chắc cũng dám nổi xung mà chưởi bậy chứ chẳng chơi.

Quay lại với mấy dòng đề từ. Dòng thứ nhất Ông có mở ngoặc là của Wladyslaw Bronlewski. Dòng thứ hai không ngoặc không nghéo gì thì hẳn là của Ông. Lạ. Tôi cứ ôm cái câu này mà đi hết cả bài.

“Chúng hải giai đông tẩu-Đà giang độc bắc lưu”.

Lạ. Vì ai ai cũng biết là cụ Nguyễn cầu kì và tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ; đến từng cái dấu chấm dấu phẩy. Viết về cầu Hiền –Lương, dĩ nhiên là hồi còn chia cắt, cụ tỉ mẩn nhờ anh lính trên cầu đi qua đi lại đếm tới đếm lui rồi mới hạ bút xuống là  “..mỗi bên dài 89m, sơn hai màu khác nhau. Bờ Bắc gồm 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam 444 tấm.” Thế thì “Mọi dòng đều xuôi đông. Riêng Đà giang chảy bắc” là nghĩa làm sao? Ai chẳng biết là Sông Đà, cũng như đại đa số những dòng sông VN là chảy theo hướng tây-bắc-đông-nam. Thì cũng bởi “theo dòng” với cái tâm thế là “Ông cụ này là cực chi tiết, chuyên phát ra những chuyện mà khối người cho là vặt vãnh bỏ qua, mà cụ lại chỉ ra “độc” lắm đây”. Ông giải thích sao mà người lái đò trên Sông Đà lại ở truồng, cái thuật chống chèo trên sông này phải “nghệ thuật”, bản lãnh  ra làm sao, tên một số thác đáng nhớ và cũng đúng là Ông đã tỉ mẩn kiểm kê rồi bảo ra là Sông Đà có bảy mươi ba con thác. Đủ cả mọi yếu tính chi tiết cần biết về con sông còn hơn cả một bài địa lý chi li.

Mà cái chuyện “bắc lưu” thì không. Không thấy Ông chỉ Sông Đà chảy lên bắc chổ nào cả.        

Và nhớ lại một chữ mới toanh ông đưa ra trong bài mà nếu tôi không nhớ tầm bậy thì thuở ấy (cái năm 1960 ấy) từ nam chí bắc chưa có ai dùng.

Chuyện Nguyễn –Tuân có dính dáng đến xi-la-ma thì ai cũng biết. Cái ông chánh tổng của Chị Dậu là hồi sau này. Chớ có lẽ  cụ Nguyễn là một trong những người VN đầu tiên “đóng” xi nê khi sang Hồng-Kông quay Cánh-Đồng-Ma thuở ông cụ nhà em còn chưa biết xem xi-nê kìa. Có chơi điện ảnh là vậy, nhưng tôi trộm nghĩ Nguyễn-Tuân không có “chuyên sâu nghiệp vụ” trong cái chuyện đạo diễn, quay phim ghi hình của nghề điện ảnh đâu. Ông nhả ra mấy từ “phim-ký-sự” là xuât phát từ cái tài phát kiến chữ nghĩa, từ cái chất “văn” chất “sĩ” của Ông mà thôi. Mở ngoặc để cà kê thêm một chút là cái danh từ kép “phim-ký-sự” mà chỉ có độc nhât Ông đưa ra hồi ấy, chẳng phải một đôi, năm bảy năm sau đã có người dùng đâu. Đến hơn bốn chục năm sau người ta mới nói nhiều qua loạt phim của HTV do ông Phạm-Khắc-Phạm-Tấn-Phước làm chủ xị. Ông Phạm cũng đã đi theo ông Nguyễn đã lâu nhưng nhân đây cũng xin có lời cảm ơn và trân trọng Phạm-nghệ-sĩ (và cùng ê-kíp, dĩ nhiên), giống như ông Nguyễn dùng văn tài, Ông đã bộc lộ hết mình cái chất nghệ sĩ qua kinh nghiệm gần nửa thế kỷ với máy quay phim để viết cho đời, trao lại cho người những trang ký sự bằng hình  tuyệt vời có tên là MÊ-KOONG KÝ SỰ. –Còn chuyện mấy bộ Hà-Nội Trong Mắt Ai với Chuyện Tử Tế của Trân-Văn-Thuỷ trước đó thì thiên hạ vẫn cho là .. “phim-tài-liệu”. Đóng ngoặc.

Bây giờ, ngồi lảm nhảm thế này, tôi tự hỏi mình sau cái đận căn mắt dưới ngọn đèn dầu hột vịt, đọc những giòng chữ nhỏ li ri đên hơn bốn trăm trang khổ nhỏ của tập Sông-Đà còn đọng lại trong tôi là những sự gì?

Tôi chỉ còn đọng lại hai điều. Là cái câu.. Đà giang độc bắc lưu và cái danh từ kép “phim-ký-sự”.

Thì ra đâu phải tại toạ độ xy của kinh độ mấy mấy giao nhau với vĩ độ mấy mấy mà Sông Đà chảy ngược-bắc lưu- lên bắc vĩ độ u ơ nào đâu hả trời. Con sông độc đáo. Nó có dòng chảy của riêng nó. Dòng chảy độc đáo của riêng một dòng sông. Nó khác với những dòng sông khác. Mỗi  cá nhân là một thực thể riêng biệt. Độc lập nhau. Khác hẳn nhau. Nhưng bỡi cùng bản chất là nước. Cùng bản thể là dòng chảy nên cũng có thể hoà vào nhau. Cùng giao lưu với nhau. Mỗi người là một bản ngã độc lập nhưng cũng có thể có những mối giao hoà, xẻ chia, cảm thông. Mỗi cá nhân có cách nhìn nhận, cách tiếp cận vấn đề khác nhau nhưng vẫn có thể dãn về cùng một đích đến. Sao mà cứ khổ sở làm chi để lụi hụi mà đi bắt mọi con sông đều xuôi về một hướng…

Dạo này…  không có tiền… trà nhạt, bình thơ cóc nhảy ra vào với mấy ông bạn rỗi hơi. Có ông bỗng “xọt” ra: “Bài thơ tôi khen hay anh bảo dở. Không phải là tôi đúng anh sai”. Bó tay. Hè nhau bảo chuyển sang nghe nhạc cho... bớt... nhẽo thì lại phải nghe… lắm chuyện... lùng bùng. Trước là chuyện “bố-bố-con-con”. Kẻ khen bố thẳng thắn. Người bảo con hỗn. Chưa loãng hết trò vui thì đến sến kia sến nọ… Anh nên cao sang. Anh đừng có thấp kém sến. Cho sến chết đi…

Hồi nãy tôi có trót dại bảo cụ Nguyễn chắc không có nghề điện ảnh đâu. Chứ biết đâu nếu trời còn cho chân cứng đá mềm, sướng lên, cụ vác ba-ton đi viết ký sự bằng hình thì đã sao... Cụ đã phát ra cái tên “phim-ký-sự”, đã nhìn ra những góc quay, những khuôn hình, những lời dẫn... Tức là cụ đã chỉ đường cho một cái mới. Và cái mới ấy, nếu bác làm bằng  sự tài hoa, bằng tất cả sự tận tâm nghiêm chỉnh để trao cho đời. (Và Phạm-nghệ-sĩ cùng ê-kíp đã làm được)- Đời thấy rằng hay và đẹp, cuộc đời sẽ vồ lấy ngay. Và sẽ yêu và sẽ nhớ. Nhớ mãi cho đến khi có cái gì hay hơn, mới hơn để người ta ngốn ngấu mà xếp cái hay trước vào một chổ nào đấy trong ký ức, trong kỷ niệm. Hết cái cuồng say với The Beatles của thập niên 60 và đầu những năm 70 thì cuối những năm 70 và 80 người ta vồ lấy ABBA bỡi vì nó MỚI hơn và cũng… HAY, cũng làm cho người ta say sưa, chất ngất. (Mặc dầu thế, có bác cũng bảo tôi rằng giờ thỉnh thoảng vẫn còn muốn nghe lại Yesterday). Cái gì hay, cái gì đẹp, cái gì hợp với tâm thức con người ta- Mỗi người là một giọt nước trong dòng chảy của con sông Đời-, người ta sẽ yêu, người ta sẽ quí và người ta còn dùng. Cho đến khi bác có cái gì HAY HƠN, HỢP HƠN. Bác chẳng có cái gì hay hơn mới hơn, và nhất là HỢP với người ta hơn thì cái người ta đang yêu đang dùng này chẳng chết cho đâu.

Mà thôi, chiều rồi, sẵn bọn em đang nhạc nhẽo; bấm luôn cho các bác nghe một bài… cắc cắc bụp... bum luôn nhé. Đà-lạt hoàng hôn đấy. Không chừng rồi bác lại bảo rằng… ơ… Nghe xong bài này thì em xem bóng đá. Chiều nay MU đá sớm các bác ạ.

   14-9-2013

LANG VƯỜN


Gửi Bài Viết

Họ tên:
Email:
Địa chỉ:
Chủ đề:
Nội dung:

Chú ý: Vui lòng nhập đầy đủ thông tin trên


Copy right 2011 www.duocphambachkhang.com. All right reserved
Công ty TNHH Dược phẩm Bách Khang
  17 Đường 783A Tạ Quang Bửu, phường 4, quận 8, TP.HCM

Thiết kế web: Faso

Tri mun da Tri nam da chăm sóc da Tu van dau tu Vietnam tours Thiet bi dien Thanh lap cong ty 100 von nuoc ngoai Bìa còng Bia ho so