Chọn ngôn ngữ:
Tên đăng nhập:

Mật khẩu:

Văn


THƯƠNG VỀ MIỀN TRUNG, NHỚ LẠI MẤY NGÀY Ở HUẾ

Ngày đăng: 25/11/2013
Lượt xem: 1874

THƯƠNG VỀ MIỀN TRUNG,

NHỚ LẠI MẤY NGÀY Ở HUẾ

Đôi lời thưa trước!

(Mấy tuần vừa qua, miền Trung tràn ngập đau thương. Thiên tai dập dồn. Lũ chồng thêm lũ.Trong xót xa thương cảm, bà con cả nước đã ra tay cứu, giúp đồng bào mình theo mọi khả năng có được. Sau cơn hoảng loạn và đau thương, người ta cũng phải đi tìm nguyên nhân vì đâu lũ chồng lên lũ, lụt lội liên hoàn. Nhiều bậc trí giả đã chỉ ra nguyên nhân vì thế này thế này… Nhưng vừa rồi một vị PTT đi kinh lý vùng lũ lụt đã kết luận là lũ lụt không phải do việc thế này thế này… Thôi đành. Trời hành cơn lụt mỗi năm… Đau thương tuôn chảy… Cắn răng cam chịu. Quẩn lên chỉ còn biết liều mạng chưởi vung.. Đ.M. ông trời gây nên lũ lụt..

Đến nay, dẫu muộn màn, người viết cũng xin thành tâm chia xẻ cùng bà con và mong cầu bà con nạn dân đủ sức chịu đựng và nghị lực để vượt qua khốn khó.

Bài này viết hồi mùa hè. Nhưng thấy có nhiều chi tiết riêng tư quá nên tính chẳng “trình làng”. Nhưng nay, trung tuần 11/2013, thấy “Miền Trung ngập tràn” trên khắp các mặt báo; nên lược sửa lại, trình bà con đọc chơi.)

X

X X

Nhớ lơ mơ có một ngài nào đó đã kết hợp giữa “truyền thống” và “hiện đại” mà phán rằng:

“Đường vô xứ Huế quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ

Nhớ em anh cũng muốn vô

Sợ truông nhà Hồ sợ…đồ lưu niệm”.

Nói thế cũng oan cho Huế, bởi vợ chồng mình đi.. khơi khơi chẳng theo tua theo tiết nào nên cũng chẳng có ai ép mình vào quầy bán đồ lưu niệm cả.

Giữa buổi chiều mình đến Huế, thời tiết thật oi nồng, khó chịu. May mà buổi tối không mưa. Trăng mười bốn trải nhẹ những mảnh lụa vàng trên sông đào và dòng Hương giang một màu dịu êm, phất phơ và .. rất ..Huế.-(cái này lảng xẹt, đố ai biết  “rất Huế”..là cái chi mô?).

Ngẫm cho kỹ mọi sự đầu tiên trên đời của kiếp người là cái  sự  “ăn”. Chẳng phải là khi người ta đã nắm thóp cái bao tử  thì văn nhân thi sĩ, bác học triết gia chi chi người ta cũng khiển tuốt đấy sao. (cái ông đốc-tờ Zi-va-gô và  Alekxdr I. Solzhenitsyn là cái sự hiếm).

Thì em cũng cần ăn thôi.Không biết từ bao giờ, cái khẩu vị mình cứ trơ ra. Có ai cho ăn phở Quyền (Phú Nhuận) hay phở Hoà (Pasteur) thì cũng chỉ thấy hơi khác khác một tý với..phở bán ..trong Chợ lớn. Nhưng phải thành khẩn khai rằng cái món bún bò ở lề đường Lý thường Kiệt- Huế mình đã xơi trong chiều thành phố vừa lên đèn, vừa ăn nhẩn nha, vừa ngắm nhìn một phần của Huế thoáng đãng, nhẹ nhàng trôi qua, quả thật là rất ngon và thú vị. Cụ Vũ chuyên “Nói Láo” bốn mươi năm; trong các món ngon của Hà Nội và những món lạ của Miền Nam hay dùng chữ “thần khẩu”, mình cũng xin thừa hưởng của cụ mà nói rằng  đúng là cái tô bún bò made-in thật Huế này đã kéo trả lại cho mình ông thần khoái khẩu đã bỏ mình đi cũng đã hơi lâu. Giờ mà sa đà vào nước bún, dĩa rau nữa thì coi chừng; không “thuổn” phải văn ai thì có khi các bác lại bảo “ơ-cái này nghe quen quen na ná như có gặp đâu đó rồi” …

Cái khó khi viết về Huế là thế. Đã quá nhiều chữ nghĩa về Huế. Từ những vị Huế chính tông, những người gốc Huế lập thân xứ khác viết lại cho Huế như Nhã Ca hoặc danh sĩ thập phương, bạn bè xứ Huế cũng lưu danh vì cũng có một phần viết về Huế thật chẳng biết kể sao cho hết.       

Thôi kệ, em chẳng phải là Lý Bạch mà “kinh” thơ Thôi Hiệu khi đến chơi lầu Hoàng Hạc; em có viết chơi cũng chẳng ai khen, mà em có “gác bút” thì cũng chẳng ai lập đình. (Huyền thoại kể rằng, tuý ông thi bá Lý Bạch có lần đến chơi Hoàng Hạc lâu, tính đề thơ, nhưng nhìn lên thấy đã có thơ Thôi Hiệu: Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ-Thử địa không du Hoàng hạc lâu… “kinh” quá, đành ngửa măt lên trời mà than; “nhãn tiền hữu cảnh đạo vô tắc-Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu—cảnh đẹp nhường kia sao khó viết-trên đầu Thôi Hiệu đã đề thơ—đành gát bút.Ngày sau, chổ Lý Bạch gác bút ấy người ta xây “đình gác bút” để khách du nhớ chuyện và có….chỗ để nghỉ chân).

Cho nên em cứ…thí mạng.. Ăn xong, đất trời đã trả về một tối-đẹp-đêm-trăng-thanh-phố-Huế. Vậy thì phải long nhong trên khắp phố phường thôi . Em cùng bà xã một xế, hai đứa cháu là sinh viên lâu năm ở Huế một xe vi vu khắp cùng thành phố. Lên cầu Tràng tiền, rông đường Trần Hưng Đạo, chạy dọc theo bờ sông Hương, đi qua khu  thành nội rồi vòng lên cầu Dã Viên, mới xây xong năm 2012 trên thân cầu Bạch Hổ cũ để quay về nhà nghỉ bên bờ sông đào phía Phủ cam.

Chạy xe máy lông rông trong đêm thành phố Huế mình bỗng dưng có cảm giác là lạ. Không phải là cảm giác lạ của lần đầu tiên. Không phải cái sợ sợ như đêm Hà Nội. Cũng chẳng phải khổ thân lạng lách trối chết như đêm Sài Gòn. Chạy lơ phơ trong đêm Huế ung dung hơn. Thoải mái hơn. So với ngay cả chị em bên kia Hải Vân là tp Đà Nẵng. Chuyên anh-hùng-núp thì có thể quên đi so với Hà Nội và Sài Gòn. Mấy cái vặt này chả nên tốn chữ vòng vèo. Cái lạ mình cảm thấy hình như là điện ở Huế không sáng bằng điện ở các thành phố khác, ngoại trừ Đà-Lạt. Thôi đi em; điện nào mà chả của ông EVN yêu nước thương dân; lính trơn chân chì của ông này lương bảy, tám hoặc thậm chí mười lăm triệu đồng một tháng, ông còn bảo quá ít ỏi khó sống, xây bể bơi biệt thự ông cũng cọng vào giá thành tiền điện để san sẻ cho khắp cõi dân tình.. Điện nào mà chả 110-220 vôn, 6o xai-cồ. Không, thật đấy các bác ạ. Ban đêm điện ngoài đường ở thành phố Huế không sáng như, không sáng bằng ở các thành phố khác. Ta đi trong phố đêm ta vẫn thấy sao, ngắm trăng, vẫn thấy cảnh vẫn thấy tình, thấy sông thấy hồ thấy cây thấy hoa như quen thân, như dịu dàng tình tự. Hồ và hoa, sông và cây, Hà Nội –Sài Gòn có mà khối. Nhưng chỉ để mà nhìn. Cảm xúc thì hơi khó. Cảm giác một sự tình càng lại khó nữa. Em là chân nhà quê tỉnh lẻ nên thú thật, bao lần, đi trong đêm Hà Nội, em cũng chỉ mong mong cho xong chuyện rồi quay về cái chỗ của mình . Đêm Sài gòn thì ta đi “chỉ thấy phố chỉ thấy nhà, chỉ thấy neon trên màu bảng hiệu”..

Đêm trong thành phố Huế cảnh hơn. Tình hơn. Làm cho ta cảm giác điện đêm của Huế không sáng bằng những thành phố khác.

Chỉ có lúc vòng lên cầu Dã Viên mình hơi “sựng” một chút. Cây cầu mới xây trên chỗ của cầu Bạch Hổ cũ mà bảy tám năm trước gì đó mình đã có lần đi qua. Mới mẻ, sáng trưng, bóng loáng. Hình như là có ý đồ thiêt kế cho Huế một điểm nhấn cảnh quang nữa. Và thuận tiện cho giao thông.Thì chẳng có chi mà ý kiến. Nhưng sao mình vẫn cảm như Huế vừa mất mát một chút gì. Một chút cổ kính, một nét cổ xưa trong tổng hoà của Huế đã bị phá bỏ để thay bằng cái bóng loáng, sáng trưng của bê-tông và cao áp. Hơi tiếc. Một chút tình…

Đêm thanh vắng bên bờ sông đào. Bị bà xã tống ra khỏi phòng vì cái tội ghiền thuốc lá. Một mình ta trên ban-công thả tầm nhìn xuống con sông đào lặng lẽ.. Bỗng nhớ đến một xấp bài ông bạn nhà báo già đã chịu khó phô-tô rồi dúi tận tay cái đận đi Hà-Nội vừa qua. Chuyện  gần bảy mươi năm cũ. I don’t know. Em vô can. Em vô tầm toàn bộ vụ này. Dẫu rằng đêm Hà Nội em có u ơ với các bác là..là học giả.. là là cũng công lao. Thì cũng chỉ là việc góp lời với các bác để đẩy đưa câu chuyện. Chả việc gì đến em. Ai gây thì tự gỡ. Chỉ là giờ đây, trong đêm tĩnh lặng, ta tự hỏi rằng, cũng bên bờ con sông đào này, gần tròn bảy mươi năm trước, “học giả kính trắng” đã có lần nào trong đêm thanh vắng nhìn xuống mặt sông lặng lẽ mà hỏi về mông lung muôn cõi phong trần non nước….

Sáng ngày hôm sau phải cõng bà xã đi tham quan cung vua thành nội như bao khách nhàn du dễ tánh. Bà xã mình bao năm đau yếu không dám đi đâu; nay cố sức thả dài những cung điện đền đài lăng tẩm thử xem sao. Cũng chỉ đến lăng Minh Mạng, không qua nổi đến bên kia sông để viếng nơi yên nghỉ ngàn thu của vị hoàng đế đã có công thống nhất sơn hà từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau mà có sách giáo khoa một thời cho rằng “cõng rắn cắn gà nhà”…

Một chiều dài bóng mát trong lòng nhà thờ Phủ Cam… Buổi hoàng hôn nghe tiếng chuông chùa thu không trên đồi Thiên Mụ… Ta thấy mình nhỏ bé xiết bao trong cõi vô thường… Thời đại phế hưng…Cung xiêu thành đổ… Ta tìm thấy gì ý nghĩa trong cõi nhân sinh. Và câu hỏi muôn đời của kiếp người chưa bao giờ được minh tỏ. Ta là ai? Ta từ đâu tới? Ta đi về đâu?...

Hôm sau nữa có cô em dâu ra với vợ chồng mình. Số là vợ chồng chú em có đứa con gái đầu vào kỳ tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa Y Huế; vợ chồng chú ấy không thể thu xếp ra vui với con, mình thì đang độ “rảnh” nên kéo cả vợ cùng đi chúc vui với cháu, và tiện thể, nói cho oai, là làm một chuyến du lịch giữa lòng Miền Trung luôn. Giờ chót, cũng chỉ mình thiếm ấy ra được với con. Thế là chúng mình thành ra một đoàn du khách nho nhỏ vui vui với những món bánh lá Huế, cơm chay Liên Hoa. Vui chứ chẳng để lại dư vị ấn tượng gì.

Buổi chiều lễ tốt nghiệp niên khoá… 2013 của trường  Đại học Y khoa Huế là một buổi nắng hanh nồng. Vài chùm phượng đỏ còn sót lại cuối mùa như càng nung thêm cái oi ả khó chịu của hàng mấy trăm phụ huynh sinh viên ngồi lê la vất vưởng khắp nơi trong khuôn viên trường đại học. Các trường ở miền Bắc thì mình không rõ ra sao. Chứ trong Nam, kể từ Huế trở vào thì mình chưa thấy ở đâu, phụ huynh học sinh, sau gần một phần ba đời người chắc chiu nuôi con ăn học; ngày mừng con tốt nghiệp ra trường lại được đứng ngồi nhếch nhác lê la lôi thôi như phụ huynh sinh viên đại học Y khoa Huế. Nói thì các bác lại bảo là sao lại hay so đọ nọ kia chứ em đã từng nghe và nhìn thấy hình ở một nước nọ; trong lễ tốt nghiệp trung học, phụ huynh học sinh được mời đến dự, ngồi hoành tráng chiếm  hẳn cả một bên của hội trường mà đón cái giây phút con em mình nhận lấy cái xẹt-ti-fi-ca rằng đã trưởng thành.. Họ chứng tỏ sự tôn trọng công lao của gia đình của cha mẹ học sinh biết bao…

Nhưng thôi. Mừng cho chú thiếm nó đã toại lòng sau bao năm hoài bão. Mừng cho cháu đã đạt thành sau bao năm khổ công đèn sách. Mừng cho nhà có một tân khoa Bác sĩ.

Ngày mai mình tính đi Đà Nẳng. Đêm còn lại với Huế kéo nhau đi Tứ-phương-vô-sự-lâu.                      

Cái lầu ở phía bắc hoàng thành tại  Huế thì ai cũng biết. Người Huế, kẻ đã đến Huế đã đành, mà người chưa bao giờ đến Huế thì chắc cũng đã nghe. Chẳng có gì phải kháo.. cho lắm; hay ít nhất là chẳng có gì nhiều để nói như chuyện… cơm 2000đ. Ngoại trừ  cái cầu thang nhỏ và dốc ngược làm bà xã và cô em dâu đi lên hơi vất vả thức uống dở ẹt. Đời con người ta vốn thế. Những việc nhỏ nhặt không vừa ý mình là phang ra ngay tắp lự. Còn cái công cái cái sức của người ta thì như là…lá bay giữa ngã tư đường.

Đêm tĩnh không và yên ả như trong một thị trấn nhỏ với trời sao và những nón lá sen xanh ngửa mặt với dải trăng vàng nhạt hạ tuần. Sàn gổ mát rượi. Khung trời mát mẻ. Tầm nhìn mát dịu. Câu chuyện vô đề rầm rì cùng các bạn trẻ… Mình cố giữ cảm xúc thật “thư” và thật “đằm” trong những giờ còn ngồi lại với Huế. Nhưng câu chuyện của các bạn trẻ thì dường như không vậy. Có lẽ cùng với những ưu tư không tránh khỏi trước những tháng ngày sắp thật sự dấn bước vào đời, và cũng như nổi niềm còn chút gì trút lại cho Huế trước lúc chia tay. Các bạn nói về những tuỳ tiện, những sự sắp xếp lộ liễu, sự toa rập bất chấp của chủ nghĩa thân tộc trong một môi trường đáng lẽ ra phải nghiêm túc, minh bạch và mô phạm như vốn dĩ nó phải có. Những trí thức trẻ chỉ vừa rời khỏi giảng đường hôm nay, qua cảm nhận từ môi trường đáng lẽ ra là thật sự trong lành và sáng tỏ khoa học, nhưng cũng không thiếu những vẩn đục, những tuỳ tiện và lập lờ.. Thì làm sao trong cuộc sống muôn mặt họ phải đối diện mai này với những thứ chủ nghĩa phe-ta-cánh-hẩu, chủ nghĩa thân tộc bốn-xê thực tại một cách vênh váo, sàn sạt.. mà không khỏi những vấn vặn trĩu lòng…

Ô hay, cái đêm “Vô-Sự” này sao lại chẳng vô sự tý nào. Tứ -Phương chùng chùng. Thiên Địa mông lung chăng?

Nhưng thôi, thế nào rồi ngày mai mình cũng chia tay với Huế. Mình muốn nghĩ về một điều gì đó thư nhẹ, êm bình. Thật tình, đối với mình, Huế không “nặng tình” như Nh.Trg hay Đ.L.; nhưng cũng chẳng có gì lăn tăn,cau có như ai đó đã (chua cay hay bực bội nên) phán rằng.. “Sơn bất cao thuỷ bất thâm...

Và bỗng dưng, một khổ thơ bất chợt lại hiện ra. Bốn câu thơ của ai chẳng biết. Vô đề vô kết. Âm hưởng man man. Tứ điệu có gì giông giống như mấy khổ cuối trong bài “Tạm biêt Huế” của T.B. nhưng với T.B. thì .. “..Tạm biệt Huế với em là vĩnh biệt…Anh trở về hoá đá phia bên kia” thì đằng này…

…Mai dù sẽ một lần may áo lụa.

Bước qua cầu em còn nhớ giòng sông.

Mai dù ta sẽ không về thăm Huế

Em có còn như tượng đá chờ mong….

Vẩn cho ta còn có niềm tin rằng, rồi sẽ có một ngày, một ngày nào đó cho dù trong tâm tưởng, người sẽ còn trở lại để may được nhìn trên cầu áo lụa phất phơ bay…

(Nhân đây, xin nhờ Quý Bác nào biết rõ về bài thơ có bốn câu tôi vừa dẫn trên đây cho biết với. Xin gởi lời cảm ơn trước.)

LANG VƯỜN

Trung tuần 11/13.


Gửi Bài Viết

Họ tên:
Email:
Địa chỉ:
Chủ đề:
Nội dung:

Chú ý: Vui lòng nhập đầy đủ thông tin trên


Copy right 2011 www.duocphambachkhang.com. All right reserved
Công ty TNHH Dược phẩm Bách Khang
  17 Đường 783A Tạ Quang Bửu, phường 4, quận 8, TP.HCM

Thiết kế web: Faso

Tri mun da Tri nam da chăm sóc da Tu van dau tu Vietnam tours Thiet bi dien Thanh lap cong ty 100 von nuoc ngoai Bìa còng Bia ho so