NGÀY XUÂN, CÂU ĐỐI TẾT
Đã cuối cái tiết đại hàn;chả mấy nữa là đến lập xuân. Thế là Tết. (Lập xuân năm nay đúng vào ngày Nguyên đán).
Nhiều việc chưa xong, khối chuyện còn hẹn lững lờ mà ngày tháng chẳng chờ chẳng đợi. Chuyện nhân gian thì cứ mặc sức mà tất bật bơ phờ; hoặc bác nào ngon thì cứ mà nhẩn nha đủng đỉnh. Thiên địa thì cứ việc tuần hoàn… Tết đến là tết cứ đến-mặc cho các bác có hoàn thành kế hoạch hay không, có đạt tiến độ, chỉ tiêu hay… chỉ… tốn thì cũng mặc. Dầu năm Tỵ chưa đi qua hết nhưng nhiều con rắn bự, mãng xà coi bộ đã chuồn êm. Năm Ngọ còn lấp ló ngoài song mà không chừng Ngựa sẽ vào chuồng sớm.
Thôi thì, hẵng cứ gác lại mọi bộn bề để… lấn quấn loay hoay mà lo chuyện Tết.
X X
X
THỊT MỠ, DƯA HÀNH, CÂU ĐỐI ĐỎ…
Trong triệu cái việc không tên để lo mừng Xuân, đón Tết, từ thế kỷ trước, cụ tú thành Nam đã chỉ ra những việc rất “cụ thể, rõ ràng” phải lo trong ba ngày Tết mà tự xưa nay, bàn dân thiên hạ phải lo… trối chết. Ấy là:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Thịt mỡ, dưa hành với bánh chưng thì cứ tuỳ… cái bụng. Bách nhơn là bách tài khoản. Tài khoản em bốn số thì em chơi bốn số. Bác bốn số theo kiểu tứ tử bình phương thì bác cứ vô tư bánh chưng dưa hành mười sáu số.
Pháo thì cấm lâu rồi-“phẻ “ một “em” đi. Vẫn còn nghe là chỗ này nơi kia, anh này chị nọ buôn pháo lậu, đốt pháo lén. Nhưng thôi, nhà nước đã cấm là ta cứ chấp hành cho nó… lành. Với lại cũng chả, không khéo rồi lại bị cụ tam nguyên Yên-Đỗ mắng cho là “Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó”. Lại thêm, theo các vị “chiên da” khả kính thì liên tiếp mấy năm nay, thiên hạ “banh-xà-rông” lắm rồi, pháo phiếc nữa làm chi cho thêm… tan xác. (Lại cũng là nhà thơ làng Vị-Hoàng,cụ phán cứ như là “tiên tri”: Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo…”)
Cây Nêu thì mình nhớ là hồi còn ở làng, duy nhất chỉ có cụ ba Tuần là cứ chiều tất niên thì dựng nêu rồi mùng bảy Tết hạ nêu-mà cả làng chỉ có độc nhà cụ ấy thôi. Giờ cụ vãn cũng đã thập rưỡi niên rồi. Đường “làng ta” nay đã bê tông hoá chín mươi chín phần trăm và mình cũng đã lông rông vào chín mươi chín cái làng quê vào dịp Tết- Chẳng thấy cây Nêu đâu cả. Thôi thì “ai sao tui dậy”. Thời này mà “dậy” trước hay sau ai thì chắc cú được danh là đồ ngố. Mà cũng nghe bà con bảo với nhau rằng mấy năm nay... đời lê thê lắm nợ. Nợ đồng lân, nợ đáo đầu, nợ khó đòi, mà có khi lắm món nợ xem chừng chẳng bao giờ đòi cho xứng đáng hoặc con nợ chẳng làm sao mà trả cho đủ lẽ công bằng. Chi bằng cứ nghe theo lời nữ sĩ tác giả Thăng long thành hoài cổ cho… khỏi phải đi đốn tre. (Đốn tre khổ lắm các bác ạ- Thứ nhất đốn tre, thứ nhì ve gái mà...). Bà đã chả bảo:
...Nợ gì trời đất phải trồng nêu
Cho nên, dẫu lắm me đầy túi thì cũng gắng gọi là:
Duyên với văn chương nên dán chữ cho nó vui vầy tết nhứt.
NHẶT NHẠNH XƯA NAY.
Nhân sinh thì... bách tính. Thiên hạ thì... thiên ngôn. Ngôn ngữ là chỉ dấu cho những tầng văn hoá khác nhau; những sắc thái sinh hoạt mang tính chuyên biệt tự nhiên của xã hội. Câu đối cũng thuộc loại thơ-phú-văn-chương nên ngôn ngữ chữ nghĩa cũng… bao la trời đất.
Riêng câu đối Tết thì tựu trung là cầu chúc, mong cầu, hy vọng vào một năm mới, một giai đoạn mới. Cũng có những câu đối tết ở dạng tự trào, cảm khái nhưng không nhiều. Đại đa số đều nói lên cái ý chúc cầu, hy vọng cho một năm mới được “ngũ phúc lâm môn”, dù môn đây là nhà mình hay nhà… mình phải đi chúc. (Ngũ-phúc-lâm-môn nó cũng giông giống như năm cái vòng tròn Olympic vậy mà. Là Thọ, Phúc, Khang-ninh, Du-hảo-đức và Khảo-chung-mệnh, tức là được Giàu hơn, Mạnh khoẻ hơn, Sống được lâu hơn, nhiều Đức-Hạnh hơn và nếu chết thì được yên ổn, tử an).
Những câu đối xưa, nổi danh thiên cổ, bao quát mà súc tích đến độ khắp thiên hạ như cứ nằm lòng. Bác có vui treo lên nhà bác, mà nói vô phép, em có treo ở nhà em thì cũng chả sao
ấy là… Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ
Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường
Hoặc là
Nhất tuế lương thời thiên cổ tiết
Bách niên chính sóc vạn gia xuân
(Giờ tốt hằng năm ngàn xưa Tết
Tháng Giêng mồng một vạn nhà Xuân)
Mà ngay cả những câu có chút khí vị cám cảnh mang tính riêng tây như của Uy-viễn tướng-công thì em và bạn em vẫn chơi được, chơi ngon quá hợp nữa là khác:
- Tối ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa
- Sáng mồng một rượu say luý tuý, giơ tay bồng ông phúc vào nhà.
Rối vẫn là cái “e” nhớ lại những câu đối cổ,bác chơi mấy câu cũ như:
Xuân nhập xuân thiên xuân bất lão
Phúc lâm phúc địa phúc vô cương
(Xuân thẩm trời xuân xuân xuân chẳng lảo
Phúc vào đất phúc phúc không bờ)
Cùng: Niên phong nhân ích thọ
Xuân tảo phúc doanh môn
(Năm vui người thêm thọ
Xuân sớm phúc đầy nhà)
Hoặc như… Tân niên hạnh phúc bình an tiến
Xuân nhật vinh hoa phú quý lai
Thì mấy ông bạn nhà em ở khu AMATA vừa rụng việc mấy tháng nay có treo lên giữa phòng thì cũng cư vui như ..tết.
Trên đây là vài câu đối cổ, hay, súc tích thường được dùng, thể hiện sự hy vọng, ước mong, cầu chúc mọi việc được tốt đẹp hơn trong năm mới.
Còn một dạng đối Tết nữa là dựa vào con giáp của năm sắp qua và sắp đến để gởi gắm những hy vọng hoặc có thể là những dự báo về tương lai, về xu hướng khả dĩ trong thời gian sắp đến. Nhưng do chỉ gắn vào một năm cụ thể nào đó, theo đặc trưng nổi bậc của năm, nên khi năm ấy qua rồi thì ít được nhắc đến nữa. Đơn cử như vào năm 2008-2009 là đón xuân Kỷ-sửu, tiễn năm Mậu-tý có người đã làm câu đối rằng:
- Tiễn chú Chuột đi, biến hẳn luôn đi quân đục khoét.
- Đón anh Trâu đến, chăm lo cày kéo nước mạnh giàu.
Hay là đến nay cũng còn người nhớ và nhắc đên câu đối của Hà-Sĩ-Phu làm đón năm chó Bính-tuất (2006) như sau:
- Bảy món cầy tơ, mấy chú vện vằn đang khởi sắc
- Một bầy………, ba quân í oẳng sắp lên hương.
(Có chữ nào lấp vào mấy cái……này hay hơn hai từ “chó đẻ” không hỡi “chư quân tử” ?)
Và còn nữa, còn nhiều những câu đối ngày xuân của “bách gia chư tử” lưu truyền mà kể lắm thì hoá ra ta quên mất là đang ở vào cái thời a còng các bác nhỉ.
Điểm lướt qua những câu đối cũ, thấy loại tứ ngôn ngũ ngôn hơi bị hiếm. Có lẽ các cụ xưa ưa ê a rề rà. Chả bì với thời @ hôm nay. Nhanh, gọn, lẹ. Vòng vo chi mấy cái “cặp ngan nằm”, Xưa rồi Diễm. Mấy va-li thì cứ phứt đại cho rồi. Cho nên chữ nghĩa nó cũng gọn lỏn sát rạt. Các cụ dù có gọn thì cũng cứ là bao la lắm
Nào là Phước thâm tự hải
Lộc cao như sơn…
Rồi Môn nghênh bách phúc
Hộ nạp thiên tường
Thì @ chơi gọn hơ mà rất “định lượng” cụ thể
Ngàn lần như ý-Vạn lần như mơ
Triệu sự bất ngờ-Tỷ lần hạnh phúc…
Các cụ còn “xa xôi”
Tường quang mãn thất
Thuỵ khí doanh môn…
Với @ là..chơi luôn:
Cung chúc tân niên-Sức khoẻ vô biên
Thành công liên miên-Hạnh phúc triền miên
Túi luôn đầy tiền-Sung sướng như tiên
Hoặc
Hay ăn chóng béo- Tiền nhiều như kẹo
Tình chặc như keo-Dẻo dai như mèo
Mịn màng trắng trẻo-Sức khoẻ như voi…
Nghe nó cụ thể, vui gọn, khoẻ mạnh cứ như là… Tết phải không các bác. Chỉ có điều mình hơi tiếc các tác giả “Hay ăn chóng béo” sao lại không giữ đúng vận “eo” cho đến câu chót có phải đúng hay hơn không. Ấy là mình chỉ muốn sao cho đúng vận hảo toàn thôi nhé, ý tứ thì chẳng dám góp gì đâu. Sức khoẻ như voi thì đúng rồi nhưng không chỉnh vận. Cũng có cái con vần “eo” đấy. Xin mời “hải nội chư quân tử” nhé.
So sánh sơ qua các câu đối Tết của thời trước và ngày nay; quả thấy ngay sự thay đổi của tư duy, tác phong và cả các khái niệm của một thời quạt giấy quạt mo và một thời của Internet, Iphone, Ipad.
Cuối năm sắp Tết, người viết chẳng dám múa rìu, chỉ là nhặt nhạnh vài hàng gọi là góp chuyện cùng bà con vui Xuân đón Tết.
THAY LỜI KẾT.
Lời thô chẳng dám dông dài, thôi thì mượn chữ người xưa, xin gởi đến bà con Xuân Giáp Ngọ được:
Xuân phong xuân vũ xuân quang hảo
Tân tuế tân niên tân sự đa.
Lạc-Tâm-Các cùng toàn thể công-ty NVC PHARMA xin kính chúc quý khách hàng, bà con thân hữu một năm mới AN KHANG, HẠNH PHÚC và một năm Giáp Ngọ MÃ ĐÁO THÀNH CÔNG.
LANG VƯỜN
Tiết Đại-hàn Quý-Tỵ.