Chọn ngôn ngữ:
Tên đăng nhập:

Mật khẩu:

Văn


VỀ MỘT BÀI CA DAO CŨ Ở PHÚ YÊN

Ngày đăng: 27/03/2014
Lượt xem: 2150

VỀ MỘT BÀI CA DAO CŨ Ở PHÚ YÊN

 

-MỘT CHÚT DUYÊN… TÁN PHÉT

Cách đây mấy hôm, nhân chuyện  tán phét văn nghệ văn gừng với một người bạn mới quen, bà bạn có mail cho tôi một đoạn trong bài ca dao cũ nói về trận lụt kinh hoàng năm Giáp-Tý-1924-ở Phú Yên và nói chờ lúc rảnh rổi sẽ đi sưu tầm cho đầy đủ rồi sẽ có một bài viết về đề tài này cho..vui.

Đoạn mở đầu bốn câu người bạn mail cho tôi như sau:

-Giáp tý Cảnh tịnh cửu niên

Trời làm bão lụt Phú Yên cơ hàn

Tuy Hoà cho đến Tuy An

Đồng Xuân phủ cũ nước tràn đầy sông..

Với bất kỳ ai là người Phú Yên có kiến thức phổ thông, bất luận niên kỷ già trẻ thế nào, khi nghe đến bốn câu như trên đều biết ngay là đã có sự sai lệch, sai trật ngay từ đầu dù có biết hay không những bản của bài này đã có trong dân gian Phú Yên.

Dĩ nhiên là tôi đã hỏi lại là bạn tìm thấy bản in hay lời truyền miệng. Bạn trả lời là chỉ nghe qua trong một cuộc chuyện... cũng thoản qua với một cụ cao niên ở Phường Nhất, tp Tuy-Hoà. Bạn chưa có động thái gì về sự ghi nhận này, chỉ là một cái “tứ” thoáng qua. Tôi chỉ cần bảo cho bạn nhớ lại rằng năm Giáp-Tý-1924 là thuộc triều Nguyễn thời vua Khải-Định, làm gì có niên hiệu “Cảnh-Tịnh”; và “nước tràn đầy sông”... thì cũng không nhất thiết là bão lụt gì ghê gớm đến nỗi dân gian phải ghi nhớ; là đủ “bổn phận” và tư cách bạn bè. Một tay cũng đã từng viết... lách như bà bạn tôi thì không phải là không biết về  mấy chi tiết này. Chẳng qua là chị chỉ ghi nhận ở bước đầu thế thôi.

Chuyện với bạn xong rồi, nhưng sau đó tôi cứ phân vân mãi. Liệu có nên đưa “đề tài” này ra không? Hiện nay ai đang có bản “chính thống” hoặc bản lưu hành trong dân gian đầy đủ nhất, toàn bài từ câu đầu đến câu chót..? Tôi “lấn quấn” với mấy câu hỏi này, ít ra, cũng vài năm nay.

 

-VỀ BÀI “CA DAO” BÃO LỤT Ở PHÚ YÊN 1924..

Cách đây vài năm, cũng do cái... máu tán phét, tôi lọt vào một cuộc trà rượu của mấy ông già. Về niên kỷ, các cụ đối với tôi, đều đáng là bực ông bà cha chú, nhưng bởi những mối quan hệ... trời đất lăng nhăng nên chúng tôi vẫn cứ... anh anh em em và tôi “ba lém” ra điều “biết tuốt” để cuối cùng có được một bản của bài ca dao nói trên - bản chép tay theo lời kể - mà theo sự hiểu biết ếch ngồi đáy giếng của tôi, là bản dài nhất, có vẻ nguyên bản chính thống nhất, dầu chưa có đoạn kết của bài “ca dao” này.

Trước hết, để tiện việc đề cập, tôi tạm xếp bài “thơ-vè” đang được nói đến  là thuộc thể loại ca dao bỡi hình thức và nội dung thể hiện. Về hình thức, bản tôi đang có là 97 câu lục bát, tuy có chỗ không chỉnh lắm về niêm luật, âm vận nhưng nói chung là lục bát, một hình thức quen thuộc của tuyệt đại đa số ca dao trong văn học dân gian. Về nội dung bài đề cập, tuy là tường thuật lại sự kiện nhưng vẫn thể hiện những tình cảm, những xúc động cảm thương đặc trưng theo nội dung của những câu ca dao phổ thông nhất. Do vậy, tôi xin gọi đây là một bài ca dao. (Tác giả Nguyễn-Đình-Tư thì gọi là bài Vè). Một bài ca dao địa phương, xuất hiện ở tỉnh Phú Yên, sớm nhất là cuối năm 1924, hoặc, khả dĩ hơn, là đầu năm 1925.

Là người Việt, nhất là người gốc Trung-Trung-Bộ, hay cụm hơn nữa là người Phú Yên, chắc hẳn ai cũng biết đến câu: “Ông tha mà Bà chẳng tha. Còn làm cây lụt hăm ba tháng mười”.

Tôi không rõ cái “hăm-ba-tháng-mười” đó xuất hiện từ bao giờ; hăm-ba-tháng-mười đầu tiên là vào năm nào. Nhưng chắc chắn là vào các ngày 22-23-24 mà ngày chính là 23 tháng mười âm lịch năm Giáp-Tý= 18-19-20/11/1924 đã xảy ra một trận bão lụt kinh hoàng trên toàn tỉnh Phú Yên.

Tôi không có những số liệu thống kê cụ thể, chính thống-mà thiển nghĩ cũng chẳng ai có được- về sự thiệt hại, hậu quả tàn khốc của trận lụt năm đó đối với người và đất Phú Yên. Nhưng kể từ năm đó cho đến nay-2014- Phú Yên cũng đã “trải qua” những trận lũ lụt lớn như đận 1990 hay như mới đây, cơn lũ năm 2009, một cơn lũ ập trong đêm khủng khiếp đã “xoá sổ” toàn bộ xóm Trường với 57 hộ gia đình ở thôn Triêm-Đức, xã Xuân-Quang 2, huyện Đồng-Xuân, làm thiệt mạng 18 người trong xóm đó; gây xúc động rộng rãi trong cả nước, và phần nào đó, ra nước ngoài, đến nỗi một tổ chức từ thiện của Thuỵ sĩ, sau đó, đã giúp tái định cư xóm Trường vào khu vực tránh lụt cao hơn. Nhưng đã chẳng có một sự ghi nhận nào đó trong dân gian qua hình thức thơ, ca, hò vè chi cả. Dĩ nhiên là hình thái, mức độ, phương tiện lưu truyền thông tin mỗi thời phải khác nhau. Thời năm 1924, để ghi nhớ, lưu truyền thì phương tiện, phương cách chỉ có thế. Như cách bà ngoại tôi kể thêm hay hát một đoạn trong bài ca dao này trong những câu hát ru tôi hồi giữa thế kỷ trước.

Về các tài liệu đã in ấn và chính thức phát hành rộng rãi về sự kiện này, tôi chỉ có trong tay cuốn Non Nước Phú Yên của Nguyễn-Đình-Tư, bản phát hành năm 2004 do nhà Thanh niên tái bản. (Bản in lần đầu 1964, tôi bị cháy “hồi nẳm”) và tôi tin vào những điều trong sách này đề cập, bỡi từ lâu, các bậc trí giả trong địa phương Phú Yên và nói chung ở trong Nam đều công nhận đó là một cuốn “địa-phương-chí” có giá trị và tác giả Nguyễn-Đình-Tư là một cây viết nghiêm cẩn. (Tuy rải rác trong cuốn này, vẩn có những tiểu tiết cần xét lại. Như ở chương V, mục Sông ngòi, tại trang 39, tác giả viết... “Sau sông Ba có sông Cái quan trọng vào hạng nhì. Sông Cái hay sông Cây Dừa, dài khoảng 150 cây số….”. Tôi không rõ tác giả căn cứ vào tài liệu nào để bảo sông Cái còn gọi là sông Cây Dừa, chứ theo tôi, và cũng theo những tài liệu về địa lý phổ thông như cuốn Địa Dư Phú Yên của Trần Sĩ, (đọc lâu rồi, nhớ là thế, nay sách lại không có trong tay để mà “nói có sách..”) cùng dân gian truyền miệng thì sông Cái còn có tên gọi là sông Kỳ Lộ mới đúng hoặc là phổ biến hơn. Đoạn này tôi đặc biệt hướng đến những người đọc là dân Phú Yên, có gì đúng sai, xin các vị hiệu đính cho… con trẻ ngày sau thêm… chuẩn xác.).

Theo cuốn Non Nước Phú Yên của Nguyễn-Đình-Tư như tôi vừa giới thiệu sơ ở trên, ở chương VII, mục Khí hậu, trang 58, tác giả viết…

“Nói tới bão lụt, người dân Phú Yên không quên được cái lụt năm Giáp-Tý (1924); một trận lụt kinh nhủng, vừa mưa to, vừa bão lớn, tàn phá khắp tỉnh, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể về nhân mạng và tài sản.

Cái thảm cảnh ấy tại vùng Sông Cầu đã được ông Nguyễn-Đình-Cầm tả lại trong vài nét sau đây: …(đoạn này ông dẫn lại của Trần Sĩ và Nguyễn-Đình-Cầm trong Địa Dư Phú Yên các tác giả tự xuất bản năm 1933. Mà cụ Trần Sĩ vốn là dân Tuy An, lại là một nhà giáo rất có uy tín, có kiến thức và tư cách rất đáng kính trong giới có học ở Phú Yên, hậu duệ cụ để lại cho đời cũng đến... ba ông tiến sĩ. Sách lại viết từ năm 1933 về trước, chỉ cách sự kiện chưa đầy mười năm, nên rất đáng tin, nhưng vẫn không có những số liệu cụ thể.)…

…Còn tại vùng Tuy Hoà, ông Chức Phương ở thôn Phú Lạc đã tường thuật trận bão lụt trong một bài vè khá dài. Chúng tôi xin trích một vài đoạn dưới đây...”

Và ông (NĐT) đưa vào 3 trích đoạn. Không thấy ông cho biết là dẫn nguồn từ đâu, bản in ấn ở tài liệu nào hay dân gian truyền khẩu.

Đoạn dẫn thứ nhất từ câu đầu tiên:

Giáp-tý Khải-Định cửu niên..

Đến câu thứ 20 :

Nhà sàn kèo cột rui mầm còn chi… thì đối sánh giữa bản in của Nguyễn-Đình-Tư (từ đây xin gọi tắt là NĐT) và bản viết-tay-lưu-truyền (cũng xin gọi tắt là VT) mà tôi có được không có gì sai lệch lắm. Chỉ có ba câu 6,7,8 bản NĐT là..

…Dưới biển sóng “dậy” trên đồng nước dâng

Nhà cao” nước lội nửa lưng

Nhà thấp đá mái nước “bưng” trôi nhà..

Thì bản VT là:

…Dưới biển sóng “nhảy” trên đồng nước dâng

“Gò cao” nước lội nửa lưng

Nhà thấp đá mái nước “dâng” trôi nhà..

Đoạn dẫn thứ hai từ câu 25 đến câu 32 thì đối sánh giữa hai bản như sau:

Bản NĐT là:

… Tuổi xanh má phấn da thơm

Tóc dài bết gót dính chơm dính chà

Hài nhi lên bảy lên ba

“Gỗ trôi sóng dập” dưới nhà vách chôn

“Hiệp-Đồng” chết hết bảy thôn

Người nào còn sống chạy dồn lên non

“Nậu” già chết đứng bồng con

Trai tơ chết vợ gái non chết chồng…

Thì bản VT là:

…Tuổi xanh má phấn “môi” thơm

Tóc dài phết gót dính chơm dính chà

Hài nhi lên bảy lên ba

“Gỗ đằng nước chảy” dưới nhà vách chôn

“Hoà-Đồng” trôi chết bảy thôn

Người nào còn sống chạy dồn lên non..

          Và cuối cùng là đoạn trích dẫn thứ ba gồm 5 câu:

...Sơn Hoà lúa nếp mục vàng mốc meo

Củng Sơn, Thạnh Hội, Hoa Chiêu.

Đồng Cam, Đất Đỏ hư nhiều bắp khoai.

Phủ trong cho chí chợ ngoài

Hết bốn phủ huyện thuỷ tai nghe đều!

Thì đoạn này trong bản VT không có. (Do dị bản hay chưa ghi chép được thì tôi không biết).

Xét qua sự khác biệt trong hai bản ở những từ, cụm từ tôi để trong ngoặc kép, chúng ta có thể thấy là sự dị biệt, sai khác không nhiều, không lớn lắm. Có những chữ ta thấy dùng ở câu này bản này thì có vẻ hợp lý hơn ỏ bản kia và ngược lại. Mà cái đó không phải là mục đích chính của bài này.

 Bài ca dao này, do cách phổ biến chính thức duy nhất là truyền khẩu và chép tay luân lưu khá lâu ở thời kỳ đầu nên những “dị bản”, lệch nhau, khác biệt nhau là không tránh khỏi. Ở một mức độ nào đó, nó cũng ở vào tình trạng khác biệt một số từ nhưng không làm thay đổi sự kiện, ý nghĩa mà bài thơ nhằm thể hiện, tương tự như bài thơ được cho là do Liễu-Hạnh công chúa giáng bút, xuất hiện đâu khoản năm 1940, dù sau đó có bản in ở Hà-Nội tầm 54-55 và bản in ở Sài Gòn hồi năm 1964.

Trở lại với bài ca dao đang xét, có lẽ chúng ta cũng nên tìm hiểu xem ai là tác giả và thời điểm sáng tác là khi nào? Nói vậy thì có vẻ như tác giả Nguyễn-Đình-Tư đã đúng khi gọi nó là bài vè, còn tôi thì trật lất khi đã xếp nó vào thể loại ca dao. Bỡi vì là “Vè” thì có thể chỉ ra tác giả và thời điểm xuất hiện chứ ca dao thì tác giả tuyệt đối là vô danh, khuyết danh và thời điểm ra đời là mông lung mờ mịt và vô phương tra cứu; nếu có thể, cũng chỉ “án chừng” chứ khó mà nêu ra ngày tháng năm cụ thể. Cái “lý sự cùn” của tôi chỉ ở chổ là: Đã gần một thế kỷ trôi qua, bài thơ khá mập mờ về tác giả. Lại chẳng có một bản in ấn chính thống để phổ biến chính thức. Trong dân gian lại lưu truyền những “dị bản” có những từ, những lời khác nhau. Hình thức lại là thể thơ lục bát, một thể đặc trưng của ca dao - trong khi thơ - vè thường là thể tứ ngôn, ngũ ngôn chứ hiếm bản làm bằng thơ lục –bát. Cho nên, theo tôi, đến nay, 2014, ta có thể gọi bài “Trận lụt Giáp-Tý 1924” là ca dao coi bộ ..ổn hơn là gọi bằng Vè.

Về thời điểm xuất hiện, như tôi đã nêu ở trên là khoảng cuối năm 1924, mà khả dĩ nhất là vào đầu năm 1925. Bởi vì trận lụt xảy ra vào 23 tháng mười âm lịch thì đã vào hạ tuần tháng 11 năm 1924. Sau cái cơn kinh hoàng đó thì mọi người còn phải dốc công sức, tinh thần vào việc khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Chỉ đến dịp Tết Giáp-Tý--Ất-Sửu mới thảnh thơi đôi chút, có rượu có trà mới “bình tâm” mà “làm văn chương”. Thì đã qua năm 1925 là vậy. Đó cũng lại là một cái “lý sự méo mó” nữa của tôi, chứ thật tình, cho đến giờ này, tôi chẳng biết chính xác là bài “thơ-vè-ca-dao” đang xét ra đời vào ngày tháng  năm nào. Ngay cả Nguyễn-Đình-Tư trong sách thượng dẫn cũng không nói đến.

Về tác giả, thì như đã dẫn, trong Non Nước Phú Yên cũng chỉ nói vắn tắt là... “ông Chức Phương ở thôn Phú Lạc đã tường thuật trận bão lụt trong một bài vè khá dài”. Chỉ chừng đó. Và tôi cũng chỉ biết thêm theo lời kể của các cụ trong cuộc trà rượu năm nọ là vị Trùm chức, một chức sắc trong làng thời đó, đứng dưới ngũ hương, có tên là Phương- Nguyễn-Kỳ-Phương, lại có người bảo là Nguyễn-Quế-Phương nên thường gọi là Chức Phương, là người đã sáng tác ra bài chúng ta đang xét. Điều này chẳng có gì chắc chắn cả. Mà ngay cái tên Phương, Chức Phương cũng chưa hẳn đúng là tên “khai-sinh”, “căn-cước” của người được đề cập. Bởi vì chúng ta thừa biết vô khối trường hợp ông hương kia ông xã nọ tên thường gọi là thế nhưng tên “căn cước”, “khai sinh” chẳng phải là vậy. Ví dụ có một ông lý trưởng tên Nguyễn-Thuyết, tên chính danh trong “căn cước” đàng hoàng, thứ của ông trong gia đình cha sanh mẹ đẻ là thứ thừa (chín, mười, dư,thừa, út, chót..), con đầu lòng của ông tên Tờ; vậy là dân chúng trong làng ngoài xã chỉ gọi là ông xã Thừa hay ông xã Tờ, mọi người đều biết cái ông ấy là ông xã Thừa hay xã Tờ mà rất hiếm người biết ông ấy là ông xã -lý trưởng- Nguyễn Thuyết.

Có hay không một ông Chức Phương; và có phải đúng là ông Chức Phương đã sáng tác ra cái bài “Giáp tý Khải Định cửu niên..” kia, đối với tôi, còn là việc phải làm.

 

-XIN CÁC VỊ BỔ SUNG CHỈ GIÁO.

Đến đây thì quý vị độc giả đã rõ về tôi hai điều là lười và dốt. Tuy vậy, tôi cũng hơi siêng… nghĩ về các cụ cao niên mà tôi quen biết như đã nói ở trên. Các cụ ấy giờ cũng đã yếu lắm rồi. Đi lại đã khó khăn. Chỉ còn đi bộ vài ba trăm thước, cùng lắm là độ nửa cây số quanh chòm xóm láng giềng. Sự chuyện vãn trao đổi giao lưu lại càng ít dịp. Thản hoặc có khi tôi thạt ghé qua để kiếm tợp rượu ngụm trà, có cụ vẫn cứ nhắc: “ông” cố kiếm cho trọn đủ cái bài ấy nhé. Chẳng để làm chi nhưng mình nên “tầm” cho trọn vẹn để mà yên lòng, hoạ hoằn con cháu nó có ghé mắt đến thì biết được xứ mình, ông bà mình đã trãi qua cảnh thế thế…

Do vậy mà hôm nay tôi mạnh dạn chép ra đây toàn bộ 97 câu theo bản chép tay mà tôi có được từ các cụ để mong được bổ sung và chỉ giáo thêm. Bản đó như sau:

Giáp tý Khải Định cửu niên

Trời làm lũ lụt Phú Yên cơ hàn.

                   Tuy Hoà cho thấu Tuy An,

Đông Xuân phủ cũ , mấy làng gần sông

Đá bia, chờm hởi , Cù mông,

Dưới biển sóng nhảy trên đồng nước dâng.

Gò cao nước lội nửa lưng,

Nhà thấp đá mái, nước dâng trôi nhà.

Mưa dầm tại bữa hăm ba

Sáng ngày hăm bốn nước hoà vô sân

Đầu hôm sấm sét vang rân

Gió nam thổi kiệt ước chừng canh ba

Còn đương dọn dẹp trong nhà

Bất day xuống chướng phá mà cữa phên

Canh tư trăng hé hừng lên

Ba đào chuyển động vách nền rã tan

Đình chùa miễu lẫm các làng,

Long đình, hương án,lọng tàn đòn âm

Sắc thần, phủ ý ước ngâm

Nhà sàn kèo cột rui mầm còn chi

Áo quần dồn bỏ va-ly

                   Rương da tráp bách quế thì cũng trôi

                   Nhà cặp trổ nóc lên ngồi

                   Quéo tay rụng xuống sóng nhồi lộn rơm

                   Tuổi xanh má phấn môi thơm

                   Tóc dài phết gót dính chơm dính chà

                   Hài nhi nên bảy nên ba

                   Gỗ đằng nước chảy, dưới nhà vách chôn

                   Hoà Đồng trôi chết bảy thôn

                   Người nào còn sống chạy dồn lên non

                   Đàn bà chết đứng bồng con

                   Trai tơ chết vợ gái non chết chồng

                   Của tiền sạch sẽ tay không

                   Gia tài tận tuyệt nhạn hồng cách xa

                   Hăm lăm ngày mới sáng ra

                   Xốc nồm gió thổi mưa sa trắng trời

                   Trẻ già bao chiếu làm tơi

                   Kiếm chổ gò mả tìm nơi cất chòi

                   Trèo lên trên động mà coi

                   Giòng sông nước chảy đầu mồi lao xao

                   Chuồn heo, cũi ngựa, quỳnh lao

                   Rương xe ván mã lộn nhào trống chiên

                   Giầu sang mất đồng mất kiềng

                   Ướt gạo trại dột không yên chỗ nằm

                   Cả tỉnh chết hết mấy trăm

                   Ghe bầu thuyền giã tấp nằm trên khô

                   Trong chùa thầy tụng nam mô

                   Ngoài bàn Phật gỗ mõ đồ linh đinh

                   Cuồn phong một trận tan tành

                   Heo ươn gà nức bò sình bụng to

                   Chó mèo gà vịt trâu bò

                   Dảnh chân trôi tấp đầy gò tanh hôi

                   Xế qua nước mới giựt hồi

                   Dân nằm mặt nước quan ngồi sao yên

                   Phú Lạc, Đa Ngư, Phước Giang

                   Lạc Nông, Thạch Tuấn về làng Phú Khê

                   Nhà trôi người chết chỉn ghê

                   Thọ Lâm, Hoà Hiệp thuộc về Hoà Đa

                   Phú Lễ sông cạn chảy qua

                   Phú Lâm, Phú Nhuận chảy hoà Thạnh Lâm

                   Uất Lâm, Đông Mỹ, Phước Lâm

                   Rừng ngang hà bạc thuỷ xâm chín làng

                   Làm tờ mục hạ trình quan

                   Số mục mỗi làng già trẻ khai ra

                   Đem về tìm kiếm thây ma

                   Biểu trong thân thích lại mà chôn sơ.

                   Người nào trôi tấp bụi bờ

                   Vác cuốc dập lại đừng chờ quách quan

                   Chết trôi không chiếu không màn

                   Không thầy đánh vía khai quang truy hồn

                   Tỉnh toà trường học nha môn

                   Ngói bay nghiên bể cảnh bồn ngã lăn

                   Trời sao bẻ lá không ngằn

                   Cây to gãy đọt nhánh giăng chật đàng

                   Sứ tư vào toà Nha-Trang

                   Phủ sức cầu đàn xe chở gạo ra

                   Quan hai hiệp phủ Tuy-Hoà

                   Trợ cơ chẩn mễ mỗi nhà hai lon

                   Lãnh về nấu cháo nuôi con

                   Lãnh gạo Sài Gòn tàu khói chở ra

                   Tháng chín hư hại người ta

                   Sau bồi cây lụt hăm ba tháng mười

                   Trời làm thiên hạ đều hư

                   Gia cư thổ mộ đền từ chẳng yên

                   Nhân dân cho thấu quan viên

                   Lầu cao toà rộng trính xuyên xiêu dầy

                   Nước lớn hơn ba thước tây

                   Thượng bạn chặt chuối đốn cây làm bè

                   Hạ bạn vợ nói chồng nghe

                   Vác sõng vào hè chở mẹ con tôi

                   Nhà nghèo không đất cắm dùi

                   Cửa nhà trôi nổi không biết chui chổ nào

                   Cõng con dắt vợ rong rào

                   Bò trâu thì kiếm nổng cao mà nằm

                   Gió to trời tối mưa dầm

                   Đuốc đèn kêu hú kiếm tầm giỏ bao

                   Giàu trôi lẫm lớn bồ cao

                   ………………………….

Bản chép tay tôi có được 97 câu đến đây là đứt đoạn. Theo lời cụ Sáu  Trổ ở phường Phú Lâm, tp Tuy Hoà, người cho tôi bản này, thì sau một thời gian tự sưu tầm và trao đổi  với các bạn đồng niên không thu kết quả được mấy, rồi có một duyên may đưa cụ đến với cụ Trần Soi ở thôn Uất-Lâm, xã Hoà-Hiệp Bắc vào năm 2000 và được cụ Trần Soi-Lúc bấy giờ đã 90 tuổi- đọc thuộc lòng cho nghe và cụ Sáu Trổ đã ghi lại. Người đọc kẻ ghi đến câu “Giàu trôi lẫm lớn bồ cao” thì cụ Trần Soi mệt. Cụ Sáu Trổ phải ra về. Chưa có dịp quay lại để xin chép tiếp thì cụ Trần đã quy tiên. Từ bấy đến nay cũng đã 14 năm trôi qua, cụ Sáu vẫn “tìm tòi lục lọi” mà cũng chẳng tìm được gì hơn.

X  X

X

Một trận bão lụt làm “Cả tỉnh chết hết mấy trăm” và những thảm cảnh đã được “tả thực” trong bài ca dao chắc đã cho chúng ta hình dung được mức độ nghiêm trọng và lớn lao của thảm hoạ thiên tai đã xảy ra cho người và đất Phú Yên, mà lại trong điều kiện, hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ -năm 1924- là khủng khiếp và tang thương đến dường nào. Một sự biến lớn lao kinh khiếp như thế mà văn hoá dân gian Phú Yên chỉ lưu truyền lại một bài ca dao- tuy khá dài, chắc chắn là hơn trăm câu, tôi thiển nghĩ vẫn cho là ít. Một tác phẩm văn hoá dân gian xuất hiện ở quê mình mới chưa tròn một thế kỷ mà tôi còn quá mù mờ, không rõ nguồn, không biết kết thì quả là tôi vừa dốt vừa lười. Rồi lại chợt nghĩ, trong dân tình Phú Yên, chắc không ít người lưu giữ những bản truyền khẩu na ná như bản “Giáp tý Cảnh-Tịnh cửu niên” mà bà bạn tôi được nghe cũng từ một vị cao niên như tôi đã kể ở mấy dòng đầu bài.

Cho nên, hôm nay, với bài này, tôi xin các vị, là người Phú Yên, hoặc là có hiểu biết về văn hoá dân gian, về lịch sử, biến cố xã hội của tỉnh Phú Yên có liên quan, hoăc xoay quanh trận lụt năm 1924 và bài ca dao đang đề cập vui lòng  bổ sung và chỉ giáo cho những điều tôi còn khiếm khuyết .

Cụ thể những điều tôi mong được tìm hiểu thêm-mà không chắc hẳn là chỉ riêng tôi- là:

-Toàn văn và nguyên tác của bài “Giáp Tý Khải Định..

          -Xác định có tác giả cụ thể là ai? Tiểu sử tác giả?

          -Thời điểm và hoàn cảnh ra đời của bài này.

          -Bài này đã được in ấn lần nào chưa, in ở đâu v.v…

Tôi không đồng tình… với bà xã tôi, vừa mới khi nãy giục tôi đi ngủ chớ “thức khuya, hút thuốc, muỗi cắn, đổ bệnh. Khéo là cái đồ rỗi hơi”. Mà nghĩ rằng, có đôi lúc chúng ta cũng phải “rỗi hơi” để lưu giữ một điều gì đó, cái gì đó. Nếu có duyên may, bài viết này của tôi lọt đến tai đến mắt những vị đã có công sức nghiên cứu, sưu tầm về văn hoá dân gian Phú Yên như các cụ N.Đ.C., T.S.H. và được các cụ có nhã lòng chỉ giáo thì quý hoá xiết bao.

Lời chót, xin cảm ơn quý cụ Sáu Biện, Sáu Trổ ở P. Phú-Lâm, tp Tuy-Hoà và vài cụ khác, không cho phép tôi nêu danh, đã kể chuyện, cung cấp tư-liệu-truyền-khẩu để tôi làm bài viết này.

Sau đêm ăn độ M.U., vui quá.

LANG VƯỜN

  

 

 


Gửi Bài Viết

Họ tên:
Email:
Địa chỉ:
Chủ đề:
Nội dung:

Chú ý: Vui lòng nhập đầy đủ thông tin trên


Copy right 2011 www.duocphambachkhang.com. All right reserved
Công ty TNHH Dược phẩm Bách Khang
  17 Đường 783A Tạ Quang Bửu, phường 4, quận 8, TP.HCM

Thiết kế web: Faso

Tri mun da Tri nam da chăm sóc da Tu van dau tu Vietnam tours Thiet bi dien Thanh lap cong ty 100 von nuoc ngoai Bìa còng Bia ho so