Chọn ngôn ngữ:
Tên đăng nhập:

Mật khẩu:

Văn


TẾT NHÀ QUÊ

Ngày đăng: 05/03/2015
Lượt xem: 1621

TẾT NHÀ QUÊ

Mấy ngày Tết  đã qua, hôm qua nhà tôi đã “trút hũ”, nay vào ngày “hạ nêu”, thiên hạ đã lục tục mua bán làm ăn nên Lạc Tâm Các cũng mở cửa, Lang Vườn cũng xin lai rai vài hàng kể chuyện “Tết nhà quê” hầu cùng bạn bè.

Quê tôi hiền hoà, nghèo khó. Dân quê tôi hiền lành, chất phác. Các bậc tiền nhân chọn địa danh rất ý nghĩa là hai chữ PHÚ YÊN, thế mà nhìn qua ngắm lại thì cũng chẳng mấy người Phú và coi bộ dân tình cũng chẳng mấy ai Yên. Giàu làm sao nổi trong “mặt bằng kinh tế” thời nay mà sống bằng thuần nông manh mún. Yên sao cho được khi ba cây chủ lực của đại đa số nông dân quê tôi - tức là tuyệt đại đa số dân của tỉnh - là Lúa, Mía, Sắn thì liên tục bao nhiêu năm rồi giá cả bấp bênh , tiêu thụ úng ế, hoa lợi thực chất trên vòng quay canh tác và đầu diện tích tính ra thì quả thật “nao lòng” - (Ôi, tôi biết dùng con chữ gì đây, đành “thuổn” cái từ “đắt hàng” của những đấng nhà báo bây giờ, đành vậy.) - Hạt gạo làm ra chẳng bán được đâu xa, mà thực tế cũng chẳng dôi dư ra mấy, dân quê tôi làm lúa như bỏ công để mua gạo rẻ, cho có hạt ăn trong nhà. Mía, Sắn thì liên tục rớt giá, mọi chi phí đầu vào thì cứ “thẳng tiến” theo chiều ngược lại. Vài tháng trước gặp chú em họ xa cách đã lâu, giả bộ hỏi thăm trước giờ nghe nói chú làm sắn mía nhiều, nay đang làm “cây gì” chủ lực đấy? – “Cây” bỏ đất trống chứ cây gì bây giờ anh.  Hai anh em cùng... nhìn theo đám khói thuốc lá đang loãn ra tan biến dần trước mắt mình…

Nhưng, dẫu gì thì cũng đã “Tết nhứt” đến nơi rồi, mọi người như đều có những nét vui hoà, khả ái dẫu thân tâm vẫn bộn bề những tất bật lo toan…

Dân tình mộc mạc quê mùa chơn chất. Trong làm ăn cũng chẳng có gì độc đáo, thế mạnh thượng phong, nên Tết nhứt cũng chỉ ráng lo cho đủ cái “bản sắc” chứ sức vóc đâu mà nghĩ chuyện phô bày cái hả hê đầy đủ đẹp đẽ cao sang hàng độc phú quí đua đời…

“Bản sắc” ngày Tết ở quê tôi là Thịt heo, Bánh tráng, Dưa món, Bánh tét, Rim gừng, ngày trước còn có thêm quả Bánh Thuẩn - một loại bánh tôi thấy chỉ có riêng ở miền Trung, làm bằng bột, trứng , đường được phối hợp với tỉ lệ bí truyền của các bà, hỗn hợp này được khuấy trộn kiểu “ba chìm bảy nổi” sau đó đổ vào khuôn và hấp nóng từa tựa như bánh sâm panh, có thể sấy khô giòn để ăn dần đến mãi sau rằm tháng Giêng vào những ngày ra đồng thu hoạch sắn mì, lứa phụ nữ bốn năm mươi bây giờ thay bằng mấy hộp Bibica, Kinh-Đô. Mâm cỗ ngày tết giản đơn với cơm canh và một dĩa thịt phay thái khéo, điểm thêm mấy miếng lụi nướng vừa lửa, bánh tráng nướng giòn, một dĩa rau sống tươi xanh cọng thêm một chén con con dưa món với cái vị còn tý chút hăng hăng của kiệu, mằn mặn giòn giòn của miếng đu đủ phơi vừa tới nắng thêm ly rượu ngon hợp vị nữa; thì đố bất kỳ một “thằng cha” Miền Trung nào giỏi mà đi tìm cho ra cái “thức” nào ngon hơn.

Hoa thì phổ biến là vạn thọ, cúc và mai, tất cả đều là màu vàng tươi bừng sắc ấm. Đi qua phố, qua chợ tràn ngập một màu vàng tươi ấm áp lòng tôi cũng tươi đầy cái khí vị của Xuân thẫm đất trời - Dẫu Đời còn đầy ra đấy quanh ta bao nhiêu “nỗi” bao nhiêu “mối” bao nhiêu “niềm”…

Anh em nhà tôi cũng chuẩn bị đón Tết đúng kiểu nhà quê, tôi anh cả nên lo phần “ rượu chè”, nói cho oai vậy thôi chứ tôi có người bạn quê Thái Nguyên nhà anh có vườn trà sạch, năm nào tháng chạp anh cũng gởi vào vài cân tôi chia thành các gói nhỏ cho anh em và bạn bè.

Về khoản Rượu thì vào đầu tháng 10 âm lịch tôi thường đặt lò rượu ở Hoà Trị khoảng mươi lít “rượu nhứt”, để dành 1 lít rượu trắng lễ cúng ông bà tổ tiên, còn lại bà nhà tôi lựa nải chuối hột vừa chín, cắt lát nhỏ phơi khô vừa 2 nắng, nướng qua với lửa than cho dậy mùi một chút rồi ngâm đến tháng chạp thì vừa được một thứ rượu vàng thanh thơm nhẹ, vị ngót nhưng uống vào đến đâu thì ấm đến đấy mà theo tôi thì chẳng có loại nào bì được!

Chú em kế tôi thì lo khoản “Đồ nhấm”, chả là chú có người bạn làm chả lụa gia truyền nên nhờ đặt mấy đòn cho cả nhà và luôn kèm bịch “kim chi cải thảo” thật đậm đà đã được đăng ký bản quyền của thím. Năm nay ngoài hai khoản thông lệ ấy trong bịch quà tôi còn thấy thêm gói mứt gừng “made in Phú Yên under license Bình Định” của cô cháu dâu mới.

Còn 2 chú út thì lo về khoản “ Thực”, chú áp út làm ở phòng Nông nghiệp, chuyên lo nếp thổi xôi và nồi bánh tét to mỗi anh em ba đòn đầy đặn, chú Út ở nhà từ đường, vườn tược rộng rãi nên Tết nào cũng mang sang các bác đôi gà được nuôi ở vườn nhà.

Giữa buổi sáng ngày cuối năm, chúng tôi kéo nhau đi viếng mộ. Bước lên đám đất được xem như là thổ mộ của đại gia đình, lòng tôi lại dậy lên một niềm vui thinh lặng, nhẹ nhàng, lâng lâng đầy xúc cảm. Tôi quá dở để lôi ra đây những con chữ có thể nói lên chính xác hay ho cái tâm cảnh của mình lúc ấy. Miếng đất này, vài năm nay, ông em tôi canh tác được chăng hay chớ, như năm rồi, trồng mía rồi lại tốn thêm công chặt dọn bỏ bờ đốt quang cho sạch đất. Chú ấy có vẻ xem việc canh tác đám đất chỉ là sự đi lại thăm viếng mồ mả ông cha hơn là cái chuyện hoa lợi. Tháng trước, nhân chặt dọn đốt bỏ đám mía, chú ấy cũng đã dọn quang luôn bụi bờ cây cối chung quanh, giờ trông  đám đất sạch đẹp, quang đãng và rộng hẳn ra.

Ông bà và mọi người thân quá vãng trong đại gia đình tôi cùng yên nghỉ nơi đây. Người gặp đầu tiên trong lối đi vào là Bà Nội tôi. Tôi bước đến viếng bà; cúi xuống quét phủi lớp đất bùn có đôi chỗ còn phủ đọng trên mặt bia mặc dầu trước đây một tuần lễ, hôm giẫy mả, chính tay tôi cũng đã quét sửa một lần rồi. Cái gì làm tôi rưng rưng xúc động? Cái gì khiến tôi bồi hồi khi nghĩ về dưới mấy lớp đất ấm này một người bà chỉ hiện diện trên cõi đời có ba mươi bảy năm, ra đi khi Ba tôi mới chín tuổi. Tôi biết gì về Bà mà sao tay tôi sờ, lau tấm bia như sờ nắn một yêu thương…

Cho đến khi mấy chú nó và con trai tôi gọi, tôi mới  đứng lên rời Bà. Mọi người đang tập trung tại mộ song thân tôi. Ngày tu tảo, bố con chú Năm đã kịp trồng hai khóm vạn thọ vào hai ô trồng hoa đôi bên nhà bia trông mộ phần thêm sáng, tươi và không có cái vẻ lặng thầm của mộ bia mồ mả. Chúng tôi thắp hương khắp các mộ và khấn thỉnh ông bà cha mẹ về ăn Tết cùng con cháu. Tôi và mọi người tề tựu bên mộ song thân lâu hơn cả. Bởi hôm nay, chúng tôi sẽ làm giỗ đầu cho Má tôi. Bà về với Ba sau giờ giao thừa của năm Tân Mão chuyển sang Nhâm Thìn (khoản 2-3 giờ sáng ngày 23-01-2012)

Chúng tôi làm đám giỗ Mẹ và làm lễ Cúng Rước Ông Bà luôn. Đã giữa ngày Ba Mươi rồi còn gì. Chỉ còn mười hai mười ba tiếng nữa là đến giao thừa.

Cũng như phần đông dân tình trong xứ này, hoa quả chúng tôi chưng bày trên các nơi thờ cúng trong lễ Cúng Rước ngày tất niên cũng sẽ để nguyên trong “ba ngày Tết”. Đó là một bình huệ trắng ở nơi thờ Phật (hoặc thánh thần nào khác tuỳ theo tín ngưỡng của mỗi người), một bình lai-ơn đỏ trên trang thờ ông Táo, một bình hoa vạn thọ hay cúc vàng to đẹp nhất có thể trên bàn thờ gia tiên; có nhà còn thờ “hai dòng” tức là có một ghế thờ tổ tiên ông bà và một ghế thờ cha mẹ. Chúng tôi cũng chưng trên ghế thờ ông bà một bình hoa vạn thọ, ghế cha mẹ một bình cúc vàng, giữa nhà là cây mai, người không có mai thì thay bằng một chậu cúc vàng to nhất có thể được. Mấy năm gần đây, hoa Ly trồng được tại địa phương đã nhiều, giá chỉ còn nhinh nhỉnh hơn nửa ngày trước nên trên bàn khách  còn thêm một bình pha lê loa miệng cắm năm ba cành Ly tuỳ nhà chọn sắc. Cỗ quả thì cũng chung chung theo kiểu Phước-Lộc-Thọ-Khang-Ninh nhưng gần đây, mấy bà vợ trong đại gia đình chúng tôi “học” theo “tín ngưỡng dân gian thời nay” - (nói theo vậy thôi, chứ đố ai biết “dân” hay “ quan” bên nào mới đúng) - là phải cố có thêm chùm trái sung vào cỗ quả.

Một ngày cuối năm quây quần đoàn tụ anh em con cháu trong đại gia đình. Cùng nhau xúm xít vui vầy làm đám giỗ Mẹ. Cung kính trước bàn thờ gia tiên khấn rước Ông Bà về ăn Tết hưởng Xuân cùng con cháu. Chúng tôi lâng lâng bên nhau trong cái vui dân dã dịu dàng thấm đẫm những nghĩa tình chơn chất. Cùng bà con dòng họ con cháu anh em. Quên hết đi thế sự dòng đời. Cả đám tang to xôn xao dân tình cũng chẳng ai buồn nhắc…  Chúng tôi đang bận rộn vui vẻ khen đứa cháu này mập ra, qưở chê đứa kia sao ốm nhách, hỏi han đứa nọ học hành ra sao… Chúng tôi đang tĩnh lòng tưởng nhớ về ông cha như hiện đang quấn quít cùng chúng tôi đâu đây trong  khói bay hương toả, trong dìu dịu một mùi  lâng lâng thanh khiết không tên…

Dòng đời trôi… Trôi xuôi cùng năm tháng dãi dầu với bao gánh nặng lặt lè từng bước thấp cao trong vạn nẻo nỗi đời. Có được mấy khi chúng ta cùng những người thân yêu đoàn tụ sum vầy trong khung cảnh thanh linh giữa buổi đất trời mang một vẻ huyền nhiệm nao nao, một sắc màu hân hoan bàng bạc…

Một tuần lễ Tết đã trôi qua. Chẳng phải chi là một thời dịu vợi. Nhưng giờ đây, bọn con nít đã toả đi hết cả; trong không khí thanh vắng thoảng đượm chút phản phất hương của mấy búp Ly nở muộn, tôi nghe như lòng mình bổi hổi bồi hồi….

Đầu năm kể chút chuyện nhà quê, gởi một mảnh chân tình để Cầu Mong cho Mọi Người những điều Đơn sơ, Bình dị, Tầm thường mà Thiết thân ấm lòng như vàng hoa mấy độ  Xuân về…

- Cầu mong Mọi Người được sống Vui Hoà trong tình Dung Hợp như Bản Thể vốn dĩ của đất trời….

- Cầu mong khắp mọi nhà có nhiều thêm những bữa cơm cả nhà đầm ấm với “bầy trẻ đùa ríu rít” trong “khói chiều chơi vơi”…

- Cầu Mong thêm nhiều lắm lắm những bàn tay yêu thương, đan vào nhau như sữa ngọt, đưa nhau về những ngôi nhà mới lợp mái ấm còn tươi màu…

Mồng Bảy Tết Xuân Ất Mùi.

LANG VƯỜN


Gửi Bài Viết

Họ tên:
Email:
Địa chỉ:
Chủ đề:
Nội dung:

Chú ý: Vui lòng nhập đầy đủ thông tin trên


Copy right 2011 www.duocphambachkhang.com. All right reserved
Công ty TNHH Dược phẩm Bách Khang
  17 Đường 783A Tạ Quang Bửu, phường 4, quận 8, TP.HCM

Thiết kế web: Faso

Tri mun da Tri nam da chăm sóc da Tu van dau tu Vietnam tours Thiet bi dien Thanh lap cong ty 100 von nuoc ngoai Bìa còng Bia ho so