Chọn ngôn ngữ:
Tên đăng nhập:

Mật khẩu:

Văn


THÁNG CHẠP – GIẪY MẢ

Ngày đăng: 13/01/2014
Lượt xem: 4878

THÁNG CHẠP – GIẪY MẢ

Có người bảo rằng tháng mười hai âm lịch trong tiếng Hán gọi là Lạp-nguyệt, theo tên một tục có từ đời nhà Chu (Trung quốc) có lễ tất niên gọi là Đại-lạp, rồi cho rằng người Việt mình đã đọc trại ra thành Chạp = tháng Mười hai = tháng Chạp rồi từ đó mới có các từ ghép chạp mả, giỗ chạp…

Đảo qua một lượt những cuốn lịch, bản lịch phổ thông có ghi thêm phần chữ Hán đang lưu hành; tháng mười hai cũng chỉ ghi đơn giản và…phổ thông là “Thập-nhị-nguyệt”

Sẵn dịp đang đọc lại cuốn Sử Trung-quốc của Nguyễn-Hiến-Lê, dở xem phần chương IV-Nhà CHU, một phần mà soạn giả soạn khá kỹ lưỡng về các yếu tính của triều đại này trong đó có phần Xã-hội, tác giả có đề cập đến việc cưới hỏi, chôn cất; nhưng không thấy cái tục và cái lễ lớn Đại-lạp nói trên.

Thôi đi ông; ngày tháng bây giờ mà ông đi tầm chương trích cú, “sưu tra” cho ra từ đâu mà có cái từ “chạp mả”, “giỗ chạp”, rồi cái phong tục “giẫy mả”, “chạp mả” có từ bao giờ vân vân và vân vân thì chỉ có mà… hết giờ.

Chi bằng hãy cứ… đơn giản mà bảo rằng: Làm chi thì làm, trong tháng chạp âm lịch chúng ta ai cũng có một việc phải làm là “Giẫy Mả”. Ngắn gọn hơn Tháng Chạp-Giẫy Mả.

X   X

X

       

THỜI NAY AI ĐI GIẪY MẢ ?

Nhớ lại quãng cách đây đã chừng hai ba tháng, tôi từ S.G. lên Củ Chi thăm chơi với người anh họ tuổi đã về già. Sau một ngày anh em chuyện vãn tâm sự; khi ra về, tuy biết anh đã yếu và có bệnh-những cái bệnh của tuổi già - yếu chân, mệt tim, huyết áp… Thế nhưng, chẳng biết từ đâu  xui khiến, tôi vẫn cứ buộc miệng hỏi: Năm nay anh cũng về giẫy mả chứ ?-  Đi chứ chú, còn ráng được năm nào thì ráng, chừng nào hết đi nổi nữa mới trông vào con. Thiệt chẳng biết tụi nó sau này làm sao... Anh bỏ lửng câu khi đưa tôi ra cổng.

Hoá ra, trong đời sống hiện nay, cái sự “giẫy mả” là việc của mấy ông già, của các anh sồn sồn, mấy chú mấy cháu ở quê mất rồi. Mà tổng gộp cái số này, tôi chắc là cũng chỉ còn không quá năm mươi phần trăm tổng “suất đinh” của từng đại-gia-đình, từng dòng họ. Chả có thống kê  nào cụ thể ra thì ai cũng biết. Trai tráng trong độ tuổi trẻ khoẻ thì xuất quê đi tìm việc làm ở các khu công nghiệp, tuổi hai mươi thì đi học, chí ít cũng ở các trường cao đẳng, trung cấp ở tỉnh lỵ. Học xong thì tìm việc ở thành phố. Cuối năm lại bận việc, tiêu pha tốn kém, các khoản chi lại nhiều. Rồi nội ngoại hai bên, quê vợ, quê chồng… Thì đúng là những đôi vợ chồng ba bốn mươi ở quê ra thành làm ăn, vào cái tháng chạp này, thì có mà xây xẩm mặt mày, tối tăm măt mũi. Có những cảnh còn không có tiền về quê “ăn Tết” nữa kìa.

Vậy thì, “giẫy mả” không trông vào “các cụ”, các “anh” sồn sồn –mới về hưu hoặc mới nghỉ chờ hưu hồi... trước Noel vừa qua… thì biết… trông vào ai?

Chả thế mà bác nào không tin thì cứ lướt qua các bài về Giẫy Mả trên các báo, tạp chí trong cái tháng chạp này mà xem. Toàn là thể Hồi ức. Bác nào chỉ được bài ở… thì hiện tại liên tiến thì em xin… rút bút… xếp giấy ngay.

CÓ CÁCH NÀO KHÁC KHÔNG  

Trai tráng đang độ xung thì, phải đi mưu sinh xa quê tứ tán thì cũng có thể ra tay Giẫy Mả cách khác được chứ. Có đấy. Ấy là nhớ lại một hai năm trước gì đấy, khi lang thang trên mạng, gặp cái quảng cáo là có dịch vụ... “Giẫy Mả Online” và làm “Cỗ Cụ” ở nhà hàng. Xin thề là có các cụ chứng giám. Tôi có bịa thì cũng chỉ dám bịa với vợ là hồi hôm tôi thua độ Arsenal nhưng thắng Valencia cả kèo lẫn tài chứ chẳng dám bịa những cái chuyện trang nghiêm kính cẩn này đâu.

Làm “Đám giỗ” ở nhà hàng thì nhanh gọn, đơn giản mà vui nhiều. Đến ngày kỵ cụ, chiều hôm trước mẹ nó có nhớ thì mua cho bình hoa cỗ quả. Sáng ra lau lại bàn thờ tý rồi A-lô tới tấp. Hàng quán nào đấy tuỳ túi. Bạn bè chiến hữu tuỳ chọn. Trưa đảo về nhà thắp cụ nén hương, vái cụ mớ bái rồi “khấn” luôn: “thôi thì con cháu bận bịu, nhà cữa chật chội, xin rước cụ ra nhà hàng hưởng cỗ, nhân thể vui vầy cùng con cháu cho..tiện”. Đừng có kéo những “sự liên quan” của cái vụ này ra nhé. Cụ Toan-Ánh  về trời cũng đã xấp xấp ngũ niên rồi. Vịn cụ ra thì lôi thôi tốn kém thời giờ lắm đấy. Cho qua đi.

Giẫy mả online thì… cần kỷ thuật hiện đại hơn một chút. Vợ chồng ông anh cả đang lo thu mua cá ở Cà-mau. Vợ chồng chú giữa đang theo công trường ở Gò-công. Cô em thì đang đi theo chiến dịch bán hàng khuyến mãi cuối năm. Vợ chồng chú út thì đang cày và lo gom để đủ đáo hạn ngân hàng. Ở quê chỉ còn độc bà mẹ xấp xỉ tám mươi… nhất quyết không chịu theo đứa nào - Tao ở quê rồi còn trông nom mồ mả ông bà - mà giờ thì cũng chỉ ra vào được tới khoảnh sân con trước nhà. Tình cảnh làm ăn phân tán mỗi người mỗi ngã là thế. Nhà này nhà kia na ná giông giống nhau như thế. Vậy thì chỉ còn có cách… Giẫy mả Online thôi. Mà có dịch vu đấy. A-lô cho một ông nào đấy có đầy đủ tuồng lề coi bộ thích hợp. Ngày giờ đấy, đến nơi những ngôi mộ đấy rồi làm thế thế. Các vị ấy vừa làm vừa truyền vào computer của bạn. Bạn ngồi mở máy ở S.G. hay Hà Nội, ví dụ thế, vừa xem trực tuyến họ làm, thỉnh thoảng chỉ chỏ cái này, nhắc nhở cái kia. Xong việc coi đi coi lại rồi chuyển tiền vào tài khoản của dịch vụ. Tối lại mail cho các “thành viên liên quan” xem cho biết chuyện đã làm và thu gom chi phí. Thế là xong. Vậy là kể cũng “tươm” đấy bạn nhỉ. Thì ngộ “thế” là phải biến báo chứ sao; bạn bảo. Nhưng trộm nghĩ , kiểu này, dẫu chẳng phải lắm đầu-bạc-bạc-đầu thì cũng phải dày dày một tý, nhỉ.

Vậy thì còn cách nữa. A-lô về làng, nhờ anh Ất, anh Giáp nào đấy - lao động phổ thông ở nông thôn ấy mà - khoán cho việc thế thế, tiền nong vậy vậy là xong chứ gì. Vậy mà hôm rồi, tôi ghé thăm bà bạn già ở trên xã cũng thuộc loại là xã sâu-xa mà bà than cũng ngặt lắm ông ạ, cứ bảo nông thôn bây giờ hẹp ruộng đất, thừa người làm, thế mà lúc cần, kiếm một người lao động biết việc và làm được việc lại chẳng ra. Mà bà có phải thân cô độc thế gì cho cam. Cháu nội cháu ngoại đến những sáu đứa ở Sài gòn, đứa nào đứa đó vóc dạng thể hình chẳng kém anh chàng Bình Minh là mấy. Con trai con rể bốn cọng thì cũng vài anh, rồi vài ba ông năm cọng bụng bia nữa. Nhưng tất tần tật cái đội quân đó đến 28, 29 Tết mới “lết” về đến nhà !

Ngộ biến thì phải… tùng quyền. Cuộc sống đã nhiều mặt đổi thay thì các sinh hoạt của con người cũng phải thay đổi tương ứng. Chứ thật tình, cái vụ Giẫy Mả theo kiểu a-lô khoán việc hay cả Online  như vừa mới kể, tôi vẫn thấy nó cứ thế nào ấy. Tôi chẳng “cựu” đến nỗi, hoặc là “thấm” các cụ xưa đến độ nhìn cái việc nhờ người ngoài giúp giẫy mả tổ tiên người thân rồi phán rằng: Con cháu xiêu tán đâu cả mà phải thuê mướn kẻ khác giẫy mả tổ tiên ông bà mình thế. Đúng là nhà đó, họ đó mỏng hậu, ông bà lớp trước ăn ở kém đức, chẳng lưu được mấy phước quả, chả còn con cháu mà tu sửa cho mấy nấm mồ.. .

CHÚNG TA CÙNG ĐI GIẪY MẢ

Thanh minh trong tiết tháng ba.

Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh…

Nhiều người Việt mình ngay cả không biết chữ, vẫn có lắm kẻ thuộc Kiều. Và một trong những đoạn hay nhất , đẹp nhất trong Kiều có lẽ là đoạn 18 câu từ câu 43 tôi vừa dẫn trên đến câu 60.. Mà đây hương khói vắng tanh thế mà…

…Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

Gần xa nô nức yến oanh

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

Dập dìu tài tử giai nhân

Ngựa xe như nước áo quần như nen…

Hay lắm. Đẹp lắm. Rộn ràng thơ thới hân hoan lắm. Mà không phải của ta trời ạ. Nhẩm đi nhẩm lại cái đoan 3 chị em nhà họ Vương đi tảo mộ, ta có cảm nhận là phần “hội”, phần du xuân là hơn cả chín mà cái lễ thì chưa được một.

Nhà ta Giẫy Mả khác xa với “tảo mộ” trong Kiều lắm phải không các bác?

Thế này nhé, cứ lấy tôi ra làm ví dụ cho nó mau nhé.

Cũng như hầu hết dân mình; các cụ tiên tổ nội ngoại nhà tôi cũng định ngày giẫy mả quanh quẩn từ trung tuần đến quảng 24, 25 tháng chạp. Có lẽ sớm quá thì đến Tết mồ mả ông bà không còn được mới mẻ tinh tươm cho lắm. Mà trễ quá đến cận Tết thì khổ cho con cháu phải bận bịu triệu việc không tên vào dịp tất niên. 

Xin nói thêm một chút là cái sự giẫy mả của thằng tôi đưa ra làm ví dụ đây cũng có hơi… phức tạp… Hơi nhiều thì đúng hơn (chứ nhất định là không có… phức tạp… và… nhạy cảm gì đâu nhé). Có thể cảnh của bạn “gọn” hơn .

Tôi có đàng Nội và đàng Ngoại. (khỉ gió anh, ai mà chả?). Ngặt nỗi Ngoại tôi chỉ có độc..một..tiểu thơ vườn là bà cụ thân sinh ra tôi. Cho nên chúng tôi phải giẫy mả Ngoại (dĩ đành, ai chả thế), và còn phải lãnh phần trách vụ của nhà ngoại tôi đối với từ đường phía Nội của Người nữa.Vậy là 14 tháng chạp, chúng tôi vác cuốc đi giẫy mả từ đường họ Tạ là họ nội của má tôi từ ông bà cố, ông bà nội trở xuống đến cha mẹ, anh chị của người.

Đàng Nội của tôi thì có ba ngày. Ngày 21tháng chạp chúng tôi giãy mả họ cánh Thôn-Sáo là cánh cụ Thôn cố tổ chúng tôi. Trong ngày này chúng tôi giẫy mả ông bà cố (sinh ra ông Nội), các anh em của cụ có đặt tự (1) cho các Nội chúng tôi, và những người con của cố (anh em với ông Nội chúng tôi) không có người thừa tự. Đến ngày 24 tháng chạp chúng tôi giẫy mả từ đường nội tôi, từ ông bà nội (hai bà) đến Ba Má rồi các cô chưa thành gia thất của chúng tôi. (chúng tôi không có Bác-anh cha- và chú thì đang còn, nhờ ơn trời, cũng mạnh khoẻ). Chưa hết, đến 27 tháng chạp chúng tôi lại vác cuốc đi giãy mả từ đường cao tổ tức là vị thế tổ đã khai sinh ra họ Nguyễn nhà tôi tại quê làng.

Ngày trước - (lại là thể hồi ức nữa rồi !) - lúc chưa phải lưu tán vì sinh cơ, hầu như cuộc nào chúng tôi cũng cố gằng thu xếp tham gia cho đông đủ. Năm bảy năm nay đâm ra… làm biếng hay là do học tập người trên phân công phân cấp phân quyền, chúng tôi cũng… phân ra, anh em người nào nhận lãnh trách vụ vào ngày nào thì lo ngày đó chứ úi hùi vào cả như trước thì… khó quá; mà không… phân ra như thế thì cũng dám dễ… ra phân lắm chứ chẳng chơi! Riêng ngày 24 giẫy mả từ đường nội chúng tôi thì gần như con cháu tập trung có măt đầy đủ, nhất là lớp lớn, không anh nào vắng cả. Mấy ông em tôi - cơ khổ - còn phải tính toán, sắp xếp thời giờ, công việc của cả vợ lẫn chồng, thậm chí đến con cái cả tháng nửa tháng trước để đến cái ngày 24 tháng chạp đó chỉ có mỗi một việc là khoẻ mạnh, phấn chấn để đi giẫy mả ông bà ba mẹ.

Và phần này nữa, suýt quên mất. Kể thêm riêng  về tôi một chút cho nó… oai. Tôi vốn là một anh giỏi về đường… lông bông, quanh năm trà dão tào lao chém gió. Thân cư thê, tiền cà-phê thuốc lá vợ lo vẩn tốt nên tôi chẳng việc gì mà không rề rà pháo cuộc cờ này rồi nổ chốn rượu nọ. Nếu ở xa ra, tôi dám trốn ngày giẫy mả bên vợ để ngồi tầm phào tán phét như tự nãy giờ. Ngăt nỗi nhà tôi ở gần nhà từ đường phía vợ quá. Thế là ngày 25 tháng chạp tôi lại vác cuốc đi giẫy mả phía vợ, gồm ông già vợ, hai bà mẹ (vợ tôi có bà đích mẫu) rồi sẳn trớn cùng anh em con cháu làm tới, mới mẻ sạch đẹp cho đến các cụ cao tổ luôn.

Vậy là tôi mới cà kê chỉ đến các khoản là “Đối-tượng” và “lịch trình” chứ “cụ thể thực hiện” và “mục-đích ý nghĩa” thì chưa phải không ạ.

Thì thuổn nhại lời Thanh Tịnh thử xem sao “…Hằng năm cứ vào cuối đông, khi Tết đã lấp ló ở các chợ khắp quê cùng thành… Tôi vẩn nhớ buổi sớm mai hôm ấy, một buổi sáng cuối năm đầy sương và khí lạnh… Chúng tôi í ới cùng nhau đi giẫy mả..”

Nếu nhiều nhà ở gần nhau thì những người sắp đi có thể qua lại rủ rê, trà thuốc rồi ngay cả phân công ai mang cuốc mỏng (để giẫy cỏ cho tốt), ai mang cuốc dày (để đánh cuốc những gốc cây có thể có trên nền mộ), người nào cầm rựa (để dọn chặt cây xung quang mộ), ai mang thêm câu liêm (để cắt dọn các thứ dây dại, phần nhiều là dây giang (nấu gà,nấu lẩu cá kèo đó bạn) có thể bò quấn quanh nhiều ở những mộ nằm ở vùng sơn địa, gò đồi.)

Thường thì vị tộc trưởng, gia trưởng sẽ xuất quân đầu tiên. Ông mang theo bình trà mới pha, đôi tách và thẻ hương. Dừng lại chỗ này một chút để nói về tình trạng mồ mả ở nông thôn Trung Bộ quê tôi.

Đa phần làng xã ở nông thôn Trung Bộ không có nghĩa trang tập trung mà hầu hết mồ mả được chôn cất trên đất “dỡ” (đất dân tự khai hoang, khai khẩn) hay những gò, đồi do dòng họ, gia đình đã chiếm thuộc lâu đời. Về cấu trúc thì tuỳ theo diện tích, địa hình của từng khu vực, tuỳ vào gia thế, địa vi và cả niên kỷ của chủ nhân mà từng ngôi mộ sẽ có tầm vóc lớn nhỏ khác nhau. Ngày trước, tuyêt đại đa số là mộ đất, nay thì lớp con cháu hiện tại khoản tuổi trên dưới năm sáu mươi  làm mộ xây cho ông bà, cha mẹ  đã nhiều, số mộ đất còn không là mấy nữa. Mộ xây có bốn thành chu vi hình chữ nhật, bốn góc thường gắn búp sen, trong thành mộ là nền đất, nấm mồ cũng vun đất. Rất, rất ít mộ xây cả phần nấm mồ rồi dán gạch men hay ốp-lát như thường thấy trong Nam hay các nghĩa trang tập trung ở các thành phố.

Vị trưởng tộc sẽ đi đến ngôi mộ chính của buổi giẫy mả hôm ấy - (Một đặc điểm thú vị của việc giẫy mả là công việc chỉ diễn trong một buổi sáng, hoạ hoằn lắm mới có gia đinh kéo lê đến buổi chiều, mà thế là “con cháu yếu quá” như ý cái đoạn nhờ người ngoài ở trên) - Nếu là mộ xây, có nhà bia, ông sẽ lau quét sơ nhà bia, rót trà đăt trước bia; nếu là mộ đất thì lựa một chổ giữa nấm mồ đăt xuống thắp hương và khấn tiên linh xong rồi mọi người mới bắt tay vào việc.

Trước tiên là giẫy cỏ ở nền mộ. Có thể có cây hoang bao phủ thành mộ, mọc trên nền mộ hoặc dây dại quấn quanh. Thế thì ai cứ vào việc nấy.Kẻ dọn cây, người cắt dây, người giẫy cỏ. Các cụ già và thiếu niên sẽ lượm cỏ, giũ cỏ. Chỉ trần xì là cỏ rác mới bị bỏ đi. Đất do giẫy cỏ, do cuốc cây nổi lên phải giữ lại. Khi nào tới lát cuốc chót là lát cuốc giẫy trên đỉnh nấm mồ xong rồi thì dùng cuốc mỏng tẩy cào nền mộ cho bằng phẳng rồi vun vén tất cả đất rời đó đắp lên nấm mộ. “Cao nấm ấm mồ”. Mồ cao, no nê vững vàng con cháu làm ăn thịnh đạt. Qua nhiếu năm, xét thấy nền mộ, nấm mồ thấp xuống hoặc lép đi thì vị trưởng sẽ bảo con cháu tìm đất, có khi phải kéo đất từ nơi khác đến để trải vào, đắp vào cho đầy đặn vun vê thì “coi mới được”. Thế là xong phần “Tu”. Đến đoạn “Tảo”  thì cũng vị Trưởng sẽ chặt bẻ một mớ nhánh cây làm thành cái chổi quét từ nấm mồ xuống thân xuống nền cho sạch sẽ rồi khấn mấy câu thỉnh tiên linh về hưởng cổ, hưởng Tết vui xuân ban Phúc Lộc cho con cháu.

LẤY TỤC BUỘC TÌNH..

Vây là ta đã giẫy xong một ngôi mộ; lại là mộ chính nữa đấy. Thế là hoàn thành công việc “Tu-Tảo” cho một vi tiên linh.  Giờ đây, mọi người có thể tản ra, chia ra để tiếp tục với các ngôi còn lại và làm cho… “xong sớm về sớm”.

Mệt chưa? Nếu đã hơi mỏi ta dựng cuốc nghỉ tay làm điếu thuốc nhé. Vậy là câu chuyện, những câu chuyện sẽ tiếp tục và... bắt đầu. Ông anh bấy lâu cày kéo ở Saì gòn sẽ hỏi chuyện chú em mới về từ Đà-Nẳng… Ông nọ trần tình với ông kia: hôm tháng mười chú cho hay đám cưới cháu gái, tính đi mừng chú thế mà xảy ra cái chuyện đau chân… Cứ thế. Chuyện nọ tiếp chuyện kia trong lúc làm, trong lúc dừng nghỉ tay sẽ không bao giờ dứt. Ai mới bán được con bò khá tiền; ông nào mới xây được gian nhà mới, vợ chồng chị nọ làm ăn ra sao… Nghĩa là toàn những chuyện thăm hỏi, trao đổi về cảnh về tình, về những mối quan tâm, chia xẻ thấm đẫm sự thân thuộc,  liên hệ, gần gũi chân tình giữa những người đang có mặt. Có một sợi dây vô hình đã và đang nối kết - và nối kết lại - những người đang cầm cuốc làm sạch đẹp, mới mẻ những nấm mồ. Nó khác xa với chuyện a-lô nhiều lắm bạn ạ. Trước hết những cuộc nói chuyện trong lúc giẫy mả là không tốn tiền. Có thể là tốn nhiều hơi..và thuốc lá nhưng nó thật phong phú về chủ đề và cung bậc biểu tỏ. Ngoại trừ giữa vợ chồng, giữa cha mẹ  con cái, và chuyện yêu đương; mọi cuộc a-lô khác đều do, về một sự việc, một sự kiện, và Bill Gate có lần nói với tôi rằng trao đổi mọi thông tin về vụ việc đó việc đó xong là ông đóng máy. Bảy mươi phần trăm cái gia sản 50 tỷ đô la không chia cho con kia là để lập quỹ từ thiện chứ không dùng để trả tiền “tám” qua điện thoại. Những lời lẽ  trao đổi, thăm hỏi của một con người trực diện với một con người nó khác cái sự a-lô xa lắm. Nó cho ta những cảm nhận khác, những phản xạ tâm lý khác, nhất là trong khung cảnh tự nhận ra chúng ta đang có cùng một gốc, một cành, một dây mơ rễ má nào đó.

À, mà nãy giờ mãi chuyện, chúng ta quên mất vị trưởng tộc. Cái này thì đáng lẽ tôi phải nhắc trước, nhưng bỡi đang ngon trớn câu chuyện với..bạn. Thì bây giờ ta quay lại. Ông vẫn còn đấy, đang nói câu chuyện gì đấy.

Sau khi niệm hương xong, vị trưởng sẽ đảo mắt qua toàn cảnh của ngôi mộ và cũng liếc sơ qua tình hình nhân lực. Một sự phân công chớp nhoáng hình thành. Ai dọn cây, ai cắt dây, ai giẫy cỏ... Khi mọi người ai đã vào việc đó, ông sẽ đảo quanh, hỏi người này một tiếng, nhắc chú kia một tý... Có khi ông sẽ ngồi xuống, tay vừa giũ cỏ miệng vừa cất lời, khi đều đều, có lúc xuống trầm lên bỗng về… những câu chuyện xa xưa… những câu chuyện lan man, nhảy tứ tung, không kết thúc. Ông nói về công nghiệp của bậc tiên linh đối gia đình, dòng họ, về uy tín, vai trò xã hội của người quá vãng. Có lúc ông lại nhảy sang những giai thoại, huyền thoại của bậc tiền bối. Rồi có khi lại là những lời tôn vinh về gương đạo đức, về phẩm chất tốt đẹp trong đời sống của người xưa và nhắc nhở con cháu noi theo hay chí it cũng gìn giữ để không làm ố tiếng cho gia đình gia tộc.Tựu trung những điều ông đề cập là nhắc nhở ta về công sức, công nghiệp của ông bà, về những đức tính đáng noi gương , những huyền thoại và hoài niệm thân thương với người đã khuất…

Và thế là, những nổi mệt nhọc, những co ro ủ ê của một sáng sớm cuối đông sương phủ trắng đường quê sẽ từ từ lặn mất trong ta… Ta bổng lờ mờ nhìn thấy người xưa, dù ta chưa bao giờ biết… Ta  cảm  như có một  sợi dây vô hình trói cuộn ta với những người đang đứng, ngồi đây và những người đang nằm sâu  dưới lòng đất ấm này…

Vậy thì bạn ơi! “Giẫy Mả” đâu chỉ là giẫy cỏ, làm sạch đẹp những ngôi mộ tổ tiên, người thân của ta trong dịp cuối năm để đón Xuân về Tết đến. Trong lúc ta thực hiện một phong tục đẹp đẽ của truyền thông văn hoá dân tộc thì cũng chính là lúc ta làm săn chắt thêm sợi dây thân tình, nồng ấm hơn nữa mối thâm tình bà con tộc họ huyết thông gia đình…

Hãy đi khắp thế gian đi bạn. Rồi quay về kể cho tôi nghe có ở đâu một tục lễ trang nghiêm và hay ho làm vậy, Một cái Tục đẹp đẽ để thắt chặc biết bao là Tình.

Cho nên, cuối năm nay, dẫu bận bịu khó khăn thế nào

Cũng gắng về giẫy mả nghe bạn. ./.

_________________________

(1); “TỰ” là phân tài sản(ngày xưa là ruộng đất) của cha mẹ trích cấp cho cháu là con trai của anh hay em của người con yểu tử để cháu này lo việc cúng giỗ và giẫy mả  cho người con đó về sau .

 

Gởi Về Những Người Đọc Trẻ.

Và, Cũng như là một món Quà-Tưng-Tửng

Của B2 dành cho các cháu vào dịp cuối năm.

 

Tiết Tiểu Hàn năm Quý-Tỵ.

Lang-Vườn.


Gửi Bài Viết

Họ tên:
Email:
Địa chỉ:
Chủ đề:
Nội dung:

Chú ý: Vui lòng nhập đầy đủ thông tin trên


Copy right 2011 www.duocphambachkhang.com. All right reserved
Công ty TNHH Dược phẩm Bách Khang
  17 Đường 783A Tạ Quang Bửu, phường 4, quận 8, TP.HCM

Thiết kế web: Faso

Tri mun da Tri nam da chăm sóc da Tu van dau tu Vietnam tours Thiet bi dien Thanh lap cong ty 100 von nuoc ngoai Bìa còng Bia ho so